Nâng tầm sản vật địa phương
Sản phẩm từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mang đặc trưng của vùng miền, có giá trị cao cả về kinh tế và văn hóa, đang từng bước khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị. Để đạt giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm OCOP còn nhiều việc phải làm, trong đó, các địa phương cần thay đổi cách làm sản phẩm OCOP, đa dạng hóa kênh tiêu thụ và gắn kết phát triển du lịch.
Đưa sản phẩm từ làng ra phố
Làng Vũ Đại xưa kia (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) không chỉ là địa danh được nhiều người biết đến qua tác phẩm văn học nổi tiếng “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao mà hiện nay còn nổi tiếng với đặc sản cá kho niêu đạt chứng chỉ OCOP, mang đậm hương vị làng quê Việt Nam. Món cá kho ở đây có nhiều tên gọi như: Cá kho Bá Kiến, cá kho Đại Hoàng, cá kho Hà Nam, cá kho Nhân Hậu… Song, bí quyết để thực khách ở khắp mọi miền nhớ về món cá kho lại không chỉ ở cái tên thương hiệu mà chính từ hương vị đặc trưng, hiếm nơi nào có được. Từ món ăn dân dã của vùng quê đồng bằng chiêm trũng, sản phẩm cá kho niêu làng Vũ Đại xưa trở thành sản phẩm thương mại có tiếng, được chọn làm quà biếu cả trong và ngoài nước. Nhiều gia đình ở xã Hòa Hậu đã xây dựng nhà cửa khang trang, đời sống ấm no, sung túc nhờ nghề kho cá truyền thống được đưa vào kinh doanh. Chị Trần Thiên Nga, chủ cơ sở cá kho niêu cổ truyền Cường Nga ở xã Hòa Hậu cho biết, để có được một nồi cá kho, xương thịt quyện vào nhau phải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn cá, các gia vị đi kèm có đến hàng chục loại, rồi niêu kho cá, củi đun… Mỗi lần kho cá phải mất từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ, lửa luôn đều, không cháy to quá, cũng không nhỏ quá… Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở sản xuất cá kho niêu cổ truyền Cường Nga cung cấp ra thị trường khoảng 500 niêu cá các loại.
Giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN |
Không chỉ riêng Hà Nam, sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, các địa phương trên toàn quốc đã xây dựng được hệ thống sản phẩm có chất lượng, được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao. Tính đến hết tháng 10-2023, cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Bên cạnh đó có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Chương trình OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương từ làng ra phố mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết, trở thành nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Đánh giá về thành công bước đầu của Chương trình OCOP, ông Đặng Quý Nhân, Phó trưởng phòng Quản lý Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau hơn 5 năm thực hiện chương trình, các sản phẩm OCOP được khẳng định về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm; mẫu mã, bao bì ngày càng đẹp hơn, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân; đặc biệt được sử dụng làm quà tặng trong các dịp lễ, tết, quà đối ngoại với những sản phẩm có chất lượng cao. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình OCOP đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.
Từ góc độ địa phương, ông Đinh Lâm Sáng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Kạn từng bước thực hiện phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Đối với những sản phẩm chưa được định danh của mỗi địa phương thì tiêu chuẩn OCOP chính là điểm tựa giúp xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững trên thị trường. Đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang những thị trường lớn cũng sẽ là hướng đi mới cho nông sản Bắc Kạn.
Sản phẩm cần tinh túy khi đến tay người tiêu dùng
Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu khả quan, song việc phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị. Có chất lượng tốt, có câu chuyện văn hóa đồng hành nhưng việc thiếu đầu tư trau chuốt cho bao bì, quy mô sản xuất còn manh mún, khâu tìm kiếm và phát triển thị trường chưa đa dạng… là những lý do khiến sản phẩm OCOP còn chiếm vị trí khiêm tốn tại các siêu thị, hệ thống phân phối.
Các em học sinh thích thú tham gia trải nghiệm làm dép cao su – sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của thành phố Hà Nội. Ảnh: XUÂN VIỆT |
So sánh với một nước đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP là Nhật Bản, ông Đặng Quý Nhân đặt vấn đề: Bánh mochi của Nhật Bản được làm từ bột gạo nếp, tương tự như chiếc bánh giầy của Việt Nam, nhưng đã trở thành đặc sản nổi tiếng thế giới với ấn tượng ngon, ngọt, mềm, thơm. Câu trả lời là cách làm khác nhau tạo nên chất lượng, giá trị sản phẩm khác nhau. Sản phẩm của Nhật Bản được quan tâm sản xuất từ những chi tiết nhỏ. Trong khi đó, nhìn sang sản phẩm mì gạo của Việt Nam, có sản phẩm mì OCOP bao gói còn sơ sài. “Người bán nói rằng do bán sản phẩm ra thị trường với giá rẻ nên không thể làm bao bì, đóng gói. Nhưng tôi không cho là vậy. Sản phẩm OCOP là đặc sản địa phương, có thể là “độc nhất vô nhị” nhưng sản phẩm làm ra phải tinh túy”, ông Đặng Quý Nhân nêu quan điểm.
Để thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh quan điểm, sản phẩm OCOP là sự kết hợp giữa những giá trị bản địa truyền thống với sự ứng dụng khoa học-công nghệ và sự sáng tạo của các chủ thể, các doanh nhân. Nếu chỉ bán những sản phẩm đơn giản, thuần túy thì giá trị gia tăng rất thấp. Mấu chốt là phải ứng dụng khoa học-công nghệ để tạo ra sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà hướng tới đáp ứng thị trường thế giới. Cùng với đó, cần hỗ trợ các chủ thể về vấn đề xây dựng câu chuyện của sản phẩm.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, cần tăng cường sự hiện diện của sản phẩm OCOP thông qua việc xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Góp ý thêm, một số ý kiến cho rằng cách phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế. Nếu chỉ bày sản phẩm, hàng hóa trên kệ thì không hấp dẫn khách hàng. Hiện nay, khách du lịch có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến và thích khám phá những vùng quê. Đây là cơ hội cho các sản phẩm OCOP. Theo đó, cần xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn kết được với những điểm kết nối du lịch để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với khách hàng.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-tam-san-vat-dia-phuong-760489
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()