Nâng tầm quan hệ hai nước Việt Nam - Canada
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhằm nâng tầm quan hệ hai nước, tạo cơ sở để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thời gian tới theo hướng thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và hợp tác phát triển.
Nhân dịp Hội nghị G7 mở rộng tại Nhật Bản (tháng 5/2016) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Ngày 8/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-9/11 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, nhân dịp dự Hội Nghị Cấp cao APEC 2017.
Thành phần Đoàn gồm có: Thủ tướng Justin Trudeau; Đại sứ Canada tại Hà Nội Ping Kitnikone; Trợ lý chính của Thủ tướng Gerald Butts; Cố vấn Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại John Hannaford; Vụ trưởng Vụ Lễ tân Canada Roy Norton; Vụ trưởng Vụ Chính sách của Văn phòng Thủ tướng Michael McNair; Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin của Văn phòng Thủ tướng Andrée – Lyne Hallé; Cố vấn Chính sách của Văn phòng Thủ tướng Julie Savard – Shaw.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Canada phát triển tích cực. Các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước được tăng cường, gia tăng trao đổi đoàn các cấp, hợp tác được thúc đẩy tập trung vào lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, đào tạo và hỗ trợ phát triển…
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á, là thị trường ưu tiên của Chương trình Hành động Thị trường toàn cầu của Canada.
Thương mại hai chiều tăng ổn định những năm gần đây khoảng 20-25%/năm, đạt 4,1 tỷ USD năm 2016 và 2,34 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2017 (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái).
Về đầu tư, Canada hiện có 161 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 5,1 tỷ USD, xếp thứ 13/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp và môi trường.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhằm nâng tầm quan hệ hai nước, tạo cơ sở để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thời gian tới theo hướng thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và hợp tác phát triển.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sinh ngày 25/12/1971 tại Ottawa, Canada. Ông có trình độ học vấn Cử nhân Văn học, Đại học McGill (năm 1994); Cử nhân Sư phạm – Đại học British Columbia (năm 1998). Ông đã theo học Đại học Montreal, chuyên ngành Kỹ thuật (2002 – 2004); theo học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Địa lý Môi trường tại Đại học McGill (2005 – 2006).
Ông là con trai cả của cựu Thủ tướng Canada Pierre Elliott Trudeau. Vợ ông là bà Sophie Gregoire. Thủ tướng Canada Justin Trudeau có hai con trai và một con gái.
Quá trình làm việc: Từ năm 2000 – 2006, ông Justin Trudeau tham gia các hoạt động xây dựng hình ảnh của Đảng Tự do (Liberal Party) trong giới thanh niên Canada.
Năm 2007, ông tham gia tranh cử Hạ viện với vị trí là Hạ nghị sĩ đại diện địa phương Papineau. Năm 2008, ông đắc cử Hạ nghị sĩ đại diện Papineau.
Năm 2009, ông là đồng Chủ tịch Đại hội toàn quốc của Đảng Tự do.
Từ năm 2009 – 2010, ông là đại diện Đảng Tự do tại Quốc hội về các vấn đề quyền lợi của giới trẻ, nhập cư, quyền công dân và đa văn hóa.
Năm 2011, ông Justin Trudeau tái đắc cử Hạ nghị sĩ đại diện địa phương Papineau.
Năm 2013, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Tự do và trở thành lãnh đạo Đảng Tự do.
Năm 2015, ông Justin Trudeau cùng Đảng Tự do giành thắng lợi lớn trong bầu cử liên bang, (giành hơn 150 ghế Hạ viện so với bầu cử năm 2011) và lần đầu tiên sau 10 năm lấy lại thế đa số trong Quốc hội.
Ngày 4/11/2015, ông Trudeau chính thức nhậm chức Thủ tướng Canada ở tuổi 45. Ông là Thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử Canada (sau Thủ tướng Joe Clark, nhậm chức năm 1979 khi mới 43 tuổi)./.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()