Nâng tầm giá trị sản phẩm Dầu sở xứ Lạng
– Là một trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, sản phẩm Dầu sở xứ Lạng Sơn của công ty TNHH MTV Ocean line ngày càng khẳng định giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần ổn định đầu ra cho cây sở ở Lạng Sơn.
Cây sở ở Lạng Sơn chủ yếu là giống sở lê
Sở là loại cây được người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trồng từ lâu, có khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.000 ha diện tích cây sở, trong đó có trên 2.000 ha diện tích đang cho thu hoạch. Cây sở được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan… Tuy nhiên, những năm gần đây, người trồng sở đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm từ cây sở.
Người dân xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đang phơi hạt sở khô
Với mong muốn góp phần giúp bà con trên địa bàn ổn định đầu ra cho sản phẩm quả sở đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu sở của địa phương, đầu năm 2021, công ty TNHH MTV Ocean line đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến dầu sở với hệ thống máy ép trị giá gần 10 tỷ đồng, công suất chế biến từ 1.500 – 2.000 tấn hạt sở/năm tại thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc để sản xuất dầu sở.
Công nhân công ty TNHH MTV Ocean Line đang đóng khuôn bột sở chuẩn bị cho công đoạn ép dầu
Ông Vũ Quang Dự, Giám đốc công ty TNHH MTV Ocean line chia sẻ: Dầu sở có nhiều dinh dưỡng, Omega 6, Omega 9… hàm lượng chất tương đương với dầu oliu và là loại dầu ăn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế hiện nay. Với hệ thống nhà máy chế biến khép kín, nếu hoạt động hết công suất thì một ngày đêm có thể sản xuất khoảng 2.800 lít dầu sở. Tất cả các công đoạn từ sấy, nghiền hạt sở đến chiết xuất dầu đều đảm bảo chất lượng, sản lượng của dầu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng và đăng ký được thương hiệu sản phẩm Dầu sở xứ Lạng. Đồng thời tạo được công ăn việc làm cho khoảng 20 người dân của địa phương.
Công đoạn chiết, rót , đóng bao bì dầu sở trong phòng chuyên biệt
Bình quân mỗi năm, Công ty TNHH MTV Ocean line sản xuất và xuất bán khoảng 200 tấn dầu sở. Để tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, công ty đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc tổ chức kết nối thu mua sản phẩm các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời đặt địa điểm thu mua nguyên liệu tại một số người dân ở các địa bàn lân cận. Trong năm 2022, công ty đã thu mua hơn 300 tấn hạt sở khô của người dân trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2023, công ty thu mua khoảng 1.000 tấn hạt sở khô với giá từ 22.000 – 28.500 đồng/kg, qua đó, góp phần giúp người trồng sở ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống.
Bột sở sau khi ép hết dầu được công ty TNHH MTV Ocean Line xuất bán cho các nhà máy chế sản phẩm nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cao Lộc cho biết: Cao Lộc có diện tích trồng sở lớn nhất trong toàn tỉnh với diện tích khoảng 1.500ha. Chúng tôi cũng xác định cây sở một trong những cây trồng chủ lực giúp cho bà con nhân dân phát triển kinh tế. Hàng năm phòng cũng đã tham mưu cho UBND huyện mở rộng diện tích trồng, chăm sóc cải tạo cây sở. Trong năm 2023, thực hiện chương trình liên kết, phòng đã củng cố thương hiệu, kết nối tiêu thụ với công ty TNHH MTV Ocean line chuyên sản xuất dầu ăn trên địa bàn để tiêu thụ hạt sở cho người dân. Để cây sở phát triển bền vững, trong thời gian tới, phòng nông nghiệp và PTNT huyện sẽ phối hợp với UBND các xã, tập trung xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa các sản phẩm từ hạt sở để phối hợp với công ty tiêu thụ sản phẩm.
Doanh nghiệp Nhật Bản cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Cao Lộc, lãnh đạo công ty TNHH MTV Ocean Line tham quan vườn sở tại huyện Cao Lộc (Ảnh do công ty cung cấp)
Nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ đồng thời nâng tầm giá trị thương hiệu Dầu sở xứ Lạng, thời gian qua, công ty đã xúc tiến thương mại, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Hà Nội, Điện Biên… tham gia các diễn đàn, hội thảo xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, công ty còn mở rộng điểm bán lẻ tại một số siêu thị trên địa bàn thành phố để giới thiệu sản phẩm dầu sở.
Bà Hà Thị Công, đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ khi biết đến sản phẩm dầu sở do Công ty TNHH MTV Ocean line sản xuất, gia đình tôi đã chuyển hẳn sang sử dụng dầu sở thay cho các loại dầu ăn khác hằng ngày. Dầu sở có mùi thơm dịu, tự nhiên, khi dùng để xào nấu, làm các món trộn đều rất ngon là nhiều dinh dưỡng nên tôi rất tin dùng.
Ông Trần Anh Thuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã đang sản xuất dầu sở, trong đó có Công ty TNHH MTV Ocean line. Thời gian qua để sản phẩm dầu sở được nhiều người biết đến chúng tôi đã tư vấn cho công ty phát triển sản phẩm theo hướng OCOP, cùng đó, chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãnh trong, ngoài tỉnh cũng như hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Dầu sở xứ Lạng đóng chai xuất bán cho các siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh
Năm 2023, sản phẩm Dầu sở xứ Lạng của Công ty TNHH MTV Ocean line được Chủ tịch UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm công ty cũng được cấp mã số xuất khẩu, đây là điều kiện quan trọng để đưa sản phẩm dầu sở vào thị trường Trung Quốc tiêu thụ theo đường chính ngạch. Hiện nay, sản phẩm Dầu sở xứ Lạng cũng đang tiếp cận với thị trường tiêu thụ của Nhật Bản. Đây là cơ hội và cũng là thách thức để công ty nâng cao giá trị sản phẩm Dầu sở xứ Lạng trên thị trường.
Để phát triển bền vững sản phẩm Dầu sở xứ Lạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, bên cạnh việc quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm của công ty, việc quy hoạch vùng trồng sở cũng rất quan trọng. Bởi vậy, ngành chức năng của tỉnh cần định hướng, tuyên truyền người dân, phát triển quy hoạch cây sở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để đảm bảo bền vững chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Ý kiến ()