Nâng tầm di tích thương cảng Vân Đồn
Ngoài những ưu đãi của thiên nhiên khiến Vân Đồn (Quảng Ninh) nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp, sở hữu vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, tiềm năng du lịch văn hóa, thì một trong những điểm nổi bật phải kể đến là thương cảng Vân Đồn. Vài thế kỷ trước, nơi đây là một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất đất nước.
Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng lớn đầu tiên của nước Đại Việt. Các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa cả trong và ngoài nước tạo cho khu thương cảng một diện mạo sầm uất. Hoạt động giao lưu cũng góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa xã hội Việt Nam thời bấy giờ phát triển, hội nhập với thế giới bên ngoài. Thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13-16, sang thế kỷ 17-18 thì giảm dần vai trò sau khi các điểm giao thương chuyển sâu vào nội địa.
Bức tranh của họa sĩ Tây Ban Nha phác họa bến Cái Làng thuộc thương cảng Vân Đồn hiện được lưu giữ tại đình Quan Lạn. |
Không chỉ có dấu ấn về giao thương, buôn bán, thương cảng Vân Đồn còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm nên chiến công của ông cha ta trong cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ biên cương, bờ cõi. Nhiều nhà khoa học đánh giá cao vai trò của thương cảng Vân Đồn trong lịch sử dân tộc trên hai phương diện là trung tâm giao thương quốc tế và giữ vị trí trọng yếu của an ninh quốc gia tại khu vực Đông Bắc Tổ quốc.
Ngày nay, dấu tích của thương cảng xưa chỉ còn là hàng triệu mảnh sành sứ, các nền nhà, công trình, tiền cổ… Dù không xác định được vị trí chính xác địa điểm do thiếu cứ liệu ghi chép lịch sử, cộng với thời gian và bồi đắp của nước biển nhưng các nhà sử học đều chung nhận định: Thương cảng Vân Đồn là một hệ thống hàng chục bến thuyền cổ phân bố trên các đảo, ven bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, kéo dài từ Móng Cái đến Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên. Thương cảng Vân Đồn trong suốt hơn 700 năm lịch sử tồn tại của mình không chỉ là một bến cảng đơn lẻ mà là hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên quan với nhau.
Trên cơ sở những hiện vật, tài liệu tìm được, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2003 cho các di tích thuộc bến thuyền cổ của thương cảng Vân Đồn. Để góp phần khẳng định ý nghĩa to lớn của địa điểm này trong chiều dài lịch sử đất nước, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn. Theo đó, phạm vi không gian bao gồm các địa điểm, địa danh có liên quan, các phế tích khảo cổ học, các di tích kiến trúc hiện còn, cảnh quan khu vực… của thương cảng cổ Vân Đồn. Phạm vi thời gian từ khi người Việt cổ có mặt ở Vân Đồn, khi hình thành thương cảng cổ Vân Đồn cho đến ngày nay. Địa điểm nghiên cứu tại các xã: Thắng Lợi, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn và các điểm di tích có liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh cấp kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện các công việc như khảo sát di tích, sưu tầm hồ sơ, tài liệu, tổ chức thám sát, thăm dò khảo cổ học một số điểm di tích, tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến…
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vừa qua, bộ cũng đã ban hành quyết định cho phép Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di tích cống Cái Lớn thuộc Khu di tích thương cảng Vân Đồn, thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()