Nâng sức cạnh tranh của sản phẩm
Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc cây na dai (sản phẩm na Chi Lăng được trao nhãn hiệu chứng nhận năm 2015) |
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Trước năm 2007, sản phẩm hồi khô của Lạng Sơn chỉ được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng sản lượng khoảng gần 8.000 tấn/năm. Sau khi được xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Lạng Sơn vào năm 2007, hồi Lạng Sơn chính thức có thương hiệu, được nhà nước bảo hộ. Từ đó đến nay, sản phẩm đặc sản này ngày càng nâng cao giá trị kinh tế, xứng đáng với tiềm năng vốn có của nó. Hồi Lạng Sơn được xuất khẩu đến nhiều nước như: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… với tổng sản lượng gần 10.500 tấn hồi khô, đạt giá trị khoảng 600 tỷ đồng/năm. Hiện sản phẩm đang được giới thiệu đến các nước châu Âu. Sau khi được xác lập quyền SHTT, một số doanh nghiệp đã chủ động liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu như: Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông, lâm sản Lạng Sơn; Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Sao hồi Việt Nam; Công ty Dragon Việt Nam… Không chỉ có hồi, Lạng Sơn còn có hồng không hạt Bảo Lâm được cấp bằng bảo hộ CDĐL; na Chi Lăng được cấp nhãn hiệu chứng nhận; rượu Mẫu Sơn, hồng vành khuyên Văn Lãng được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể (NHTT).
Được bảo hộ quyền SHTT thì sản phẩm coi như được cấp “giấy thông hành” lưu thông trên thị trường, được nhiều nhà đầu tư, cá nhân biết đến và khẳng định được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đơn cử như na Chi Lăng, sau khi được trao nhãn hiệu chứng nhận (năm 2011) đã được tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Trong 2 năm gần đây, na Chi Lăng được cung cấp đến một số siêu thị lớn tại Hà Nội, hiện đang được giới thiệu, quảng bá đến nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Nhờ có thương hiệu trên thị trường, diện tích, sản lượng và giá trị kinh tế na Chi Lăng đem lại ngày một tăng. Hiện tại, loại cây này được nâng diện tích trồng lên tới 1.500 ha (tăng 350 ha so với năm 2011), cho sản lượng bình quân 15.000 tấn/năm, đem lại giá trị kinh tế khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ
Nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường đối với những sản phẩm thế mạnh của tỉnh, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ quyền SHTT cho các tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh được tỉnh quan tâm thực hiện. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ động tư vấn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2015, sở tư vấn được 15 nhãn hiệu, 1 CDĐL, 1 hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Năm 2016, sở tư vấn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp được 2 sáng chế, 1 kiểu dáng công nghiệp và 41 nhãn hiệu. Từ đầu năm 2017 đến nay, sở tư vấn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp được 25 nhãn hiệu, 1 kiểu dáng công nghiệp, 3 sáng chế. Hiện tại, sở đang tích cực hướng dẫn các tổ chức, đơn vị xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ NHTT cho các sản phẩm: thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, cao khô Vạn Linh; tổng hợp danh mục các sản phẩm đặc sản có nhu cầu xác lập quyền SHTT; hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia tập huấn bảo vệ quyền SHTT…
Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Từ việc các tổ chức, cá nhân còn thờ ơ, chưa quan tâm đến xác lập quyền SHTT, thì nay công tác này có chuyển biến hơn, nhận thức về xác lập quyền SHTT được nâng cao hơn. Qua từng năm, số đơn vị, doanh nghiệp quan tâm xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT ngày càng tăng. Để đẩy mạnh công tác này, Sở KH&CN đang thu thập thông tin, xây dựng dự thảo và lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh.
Ý kiến ()