Nâng sao cho sản phẩm OCOP: Các cơ sở sản xuất cần chủ động
– Sao OCOP là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP vẫn còn thiếu sự mạnh dạn, chủ động trong việc nâng sao OCOP.
Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh đã xây dựng được 30 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 8 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh, 22 sản phẩm đạt 3 sao. Từ năm 2019 đến nay, chỉ có duy nhất 1 sản phẩm được nâng từ 3 sao lên 4 sao là sản phẩm rượu Mỏ Heo (xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng).
Sản phẩm OCOP được giới thiệu tại hội nghị tập huấn về chu trình OCOP do Sở Công Thương tổ chức (Tháng 10/2020)
Anh Vũ Huy Tùng, chủ cơ sở sản xuất rượu Mỏ Heo cho biết: Sản phẩm OCOP khi 4 sao sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi đã thực hiện các giải pháp như: thay thế, cải thiện mẫu bao bì của sản phẩm để đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường, đẹp mắt hơn; bố trí lại khu vực sản xuất, quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích các mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu trong quy trình chế biến thực phẩm)… Đến cuối năm 2020, qua đánh giá và phân hạng lại, sản phẩm của chúng tôi đã đạt 4 sao cấp tỉnh. Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì sản phẩm ở mức 4 sao.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ sở OCOP vẫn còn thiếu chủ động trong việc nâng sao OCOP. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do để nâng hạng sao, các cơ sở cần cải tiến quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn cao. Trong đó, cần nâng cấp dây chuyền, máy móc sản xuất với số vốn tương đối lớn. Mặc dù nhiều cơ sở hiểu được lợi ích từ nâng sao OCOP, nhưng do cần vốn tương đối lớn nên chưa mạnh dạn đầu tư. Theo tìm hiểu tại cơ sở sản xuất rượu Mỏ Heo đã nêu, chi phí này lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số chủ cơ sở cho rằng, việc bỏ vốn nâng sao OCOP chưa đem lại lợi ích tương xứng. Bà Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP 3 sao bún ngô Thuận Anh cho biết: Năm 2020, chúng tôi cũng đã tham gia đánh giá, phân hạng để nâng sản phẩm của mình lên 4 sao. Tuy nhiên, qua đánh giá, sản phẩm cần đáp ứng các yêu cầu như: tem truy xuất, tiêu chuẩn ISO, phát triển website… Theo tính toán của tôi, các chi phí trên cần đến hơn 60 triệu đồng/năm. Trong khi đó, về khả năng tiêu thụ giữa sản phẩm 3 sao và 4 sao cũng không chênh lệch nhau nhiều.
Chiết rót tinh dầu hồi tại cơ sở OCOP của ông Nông Văn Tú, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan
Cùng các khó khăn trên, hầu hết các cơ sở OCOP hiện nay thiếu các tiêu chí về liên kết vùng nguyên liệu và các tiêu chí liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất có lẽ đến từ sự thiếu chủ động từ các cơ sở.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, huyện có 5 sản phẩm OCOP. Hàng năm, huyện đã phối hợp với các cấp, ngành để tuyên truyền, tập huấn và hỗ đến các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng sản phẩm OCOP mới cũng như nâng sao cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 sản phẩm được nâng từ 3 sao lên 4 sao. Một trong những khó khăn lớn là các cơ sở có quy mô sản xuất và thị trường nhỏ, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao giá trị chưa đáng kể, dẫn đến sự thiếu mạnh dạn đầu tư vốn. Do đó, chưa thể đáp ứng các tiêu chí nâng sao.
Theo đánh giá từ phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, đơn vị đều duy trì tổ chức phân hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP. Trong đó, có không ít sản phẩm OCOP đăng ký đánh giá để nâng từ 3 sao lên 4 sao. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm chưa đáp ứng về các tiêu chí như: tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm; khả năng tiếp thị; chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm, khả năng xuất khẩu… Để đáp ứng tốt các tiêu chí này, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như: tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ một phần kinh phí nhãn mác, bao bì, tem truy xuất… cho các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, điều cần thiết nhất vẫn là sự chủ động từ các cơ sở sản xuất.
Một trong những nội dung tại Báo cáo số 561/BC-UBND ngày 5/12/2020 của UBND tỉnh nêu rõ, mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 là tập nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2025 tiêu chuẩn hóa trên 80 sản phẩm OCOP, trong đó, có 40 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao. Trong số 40 sản phẩm trên, bao gồm các sản phẩm mới và các sản phẩm được đánh giá, phân hạng lại. Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP cũng như xây dựng các sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình; nghiên cứu xây dựng, vận dụng cơ chế chính sách cho chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp 4.0 để tăng cường quảng bá chương trình OCOP; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại… Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, tạo sự chủ động cho các cơ sở sản xuất xây dựng các sản phẩm đạt 4 đến 5 sao, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước.
Để nâng sao OCOP, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cấp, ngành, các cơ sở xây dựng cần chủ động, mạnh dạn hơn trong đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dây chuyền sản xuất cũng như mẫu mã bao bì. Ngoài ra, các cơ sở cần chủ động nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển sản phẩm để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, tìm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ. Các sản phẩm OCOP khi đạt 4 hoặc 5 sao sẽ góp phần khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm ngày càng phát triển, vươn xa trên thị trường cũng như mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Ý kiến ()