Nắng nóng xảy ra nghiêm trọng tại nhiều nước ở châu Âu
Nhiệt độ tại Biarritz (Pháp) lên tới gần 43 độ C, trong khi cháy rừng hoành hành tại Tây Ban Nha và tình trạng khô hạn, thiếu nước ở Italy đang khiến mùa màng thất bát.
Nhiều nước châu Âu phải đối mặt với đợt nắng nóng nghiêm trọng trong 2 ngày cuối tuần qua khi nhiệt độ tại Biarritz (Pháp) lên tới gần 43 độ C, trong khi cháy rừng hoành hành tại Tây Ban Nha và tình trạng khô hạn, thiếu nước ở Italy đang khiến mùa màng thất bát.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, đợt nắng nóng đầu tiên trong năm đã đẩy nền nhiệt lên rất cao tại nhiều vùng ở Đức và khu vực Tây Nam Âu.
Thông báo của Cơ quan Thời tiết Đức (DWD) ngày 19/6 cho biết nhiệt độ đã lên tới hơn 38 độ C tại nhiều trạm khí tượng ở các bang Thüringen, Sachsen và Brandenburg.
Đặc biệt tại Cottbus (bang Brandenburg), kỷ lục nhiệt độ mới trên toàn nước Đức được ghi nhận trong 10 ngày thứ hai của tháng 6 (từ ngày 11-21/6) khi nhiệt độ lên tới 39,2 độ C.
Cho tới nay, nhiệt độ cao kỷ lục đo được trong khoảng thời gian này chỉ là 38,3 độ C ở Rheinland năm 2002.
Ngoài ra, nhiệt độ từ 35-38 độ C cũng được ghi nhận tại hầu hết các khu vực ở miền Nam và Đông Nam nước Đức. Trái lại, các khu vực miền Bắc và Tây Bắc, nhiệt độ chỉ dao động từ 15-20 độ C do ảnh hưởng của luồng không khí lạnh.
Tại thị trấn Treuenbrietzen thuộc bang Brandenburg, nhiềm đám cháy rừng đã bùng phát khiến hàng trăm người phải sơ tán.
Trời khô hanh và gió to đã ảnh hưởng tới công tác dập lửa. Một số trực thăng của cảnh sát liên bang và quân đội liên bang cũng đã được huy động hỗ trợ công tác dập các đám cháy. Dự báo, đầu tuần sẽ có mưa rào ở nhiều vùng trên cả nước giúp thời tiết mát mẻ hơn đáng kể.
Tại Pháp, Cơ quan Thời tiết Météo France thông báo đợt nắng nóng sớm nhất kể từ năm 1947, trong đó nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở thị trấn Tây Nam Biarritz với 42,9 độ C.
Tại Tây Bắc Tây Ban Nha, đám cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay đã thiêu rụi hơn 25.000 ha, khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Đám cháy ban đầu bùng phát ở khu vực dân cư thưa thớt Sierra de la Culebra thuộc tỉnh Zamora, gần biên giới Bồ Đào Nha.
Truyền thông Tây Ban Nha cho biết đây là vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở khu vực Castile-Leon của nước này trong vòng 100 năm qua.
Nhiều đám cháy cũng bùng phát ở các vùng khác của Tây Ban Nha, trong đó riêng tại Catalonia đang có khoảng 30 đám cháy.
Tại Castellón, Cáceres, Navarre và Zaragoza, nắng nóng và khô hanh đã khiến lửa thiêu rụi nhiều vùng rộng lớn.
Tại Italy, đợt nắng nóng và khô hạn xảy ra ở các vùng Lombardy và Piedmont đã gây ra tình trạng mất điện vào cuối tuần qua.
Tại Turin, nguồn cung điện cũng bị gián đoạn. Mực nước tại sông Po hiện thấp khoảng 3,70m so với mức trung bình và đây là mức thấp nhất trong vòng 70 năm qua.
Nông dân sống ở vùng đồng bằng Po đang kêu gọi xả nước từ các hồ ở phía Bắc vào các nhánh sông để có nguồn nước tưới cho các cánh đồng trong vùng. Lãnh đạo nhiều khu vực cảnh báo nguy cơ mất mùa gần như hoàn toàn nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Hiệp hội nông dân Italy, khô hạn cho đến nay đã gây thiệt hại lên tới hơn 2 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới thời tiết cực đoan. Sự gia tăng của các đợt nắng nóng và khô hạn là kết quả trực tiếp của hiện tượng Trái Đất ấm lên, trong đó cường độ cũng như thời gian và tần suất của các hiện tượng này ngày càng tăng.
Theo chuyên gia Clare Nullis thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng xảy ra sớm hơn. WMO cho biết số vụ thảm hoạ thiên tai đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn từ năm 1970 đến 2019./.
Ý kiến ()