Nắng nóng kỷ lục thiêu đốt vùng Địa Trung Hải
Các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải đang chứng kiến đợt nắng nóng chưa từng có trong lịch sử khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, tác động xấu đến kinh tế và gây ra cháy rừng diện rộng với nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái.
Tại Bắc Phi, Algeria đang nỗ lực kiểm soát gần 100 đám cháy rừng lan rộng bên bờ biển Địa Trung Hải, trong bối cảnh nhiều khu vực của nước này đang ghi nhận mức nhiệt độ cao kỉ lục lên đến 57 độ C. Tính đến ngày 26/7, Algeria ghi nhận 34 trường hợp thiệt mạng vì cháy rừng, trong đó có 10 binh sĩ hi sinh trong lúc cố gắng đẩy lùi lửa cháy rừng ở vùng Kabylia, New York Times đưa tin. Tình hình nắng nóng khiến việc cung cấp điện và nước bị gián đoạn, với nhiều khu vực chỉ được cấp nước nửa ngày, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.
Cùng lúc đó, quốc gia láng giềng Tunisia cũng phải vật lộn với cái nóng lên đến 49 độ C cùng các đám cháy rừng lớn. Ở bờ Đông Địa Trung Hải, cháy rừng đang bùng phát quanh thành phố cảng Latakia của Syria. Theo New York Times, các nước Địa Trung Hải mắc kẹt trong chu kỳ của những đợt nắng nóng như thiêu đốt do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và El Nino – một hình thái khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía Đông Thái Bình Dương và có tác động sâu rộng đến nền nhiệt và gây xáo trộn lượng mưa trên khắp thế giới. Giống năm 2016, năm nóng nhất từng được ghi nhận, hiện tượng El Nino đang khiến nhiệt độ Trái đất tăng nhanh. Mỗi khi hiện tượng này tái diễn, nhiệt độ trung bình toàn cầu thường tăng thêm 0,2 độ C, kéo theo các hình thái thời tiết cực đoan.
Điều kiện thời tiết khô hạn được mô tả là lí do chính khiến các đám cháy rừng ở Hy Lạp bùng phát nhanh và khó kiểm soát hơn. Ngày 25/7, nhà chức trách Hy Lạp xác nhận 3 người đã thiệt mạng vì cháy rừng, trong đó có 2 phi công qua đời khi chiếc máy bay cứu hỏa của họ va vào vách núi trong lúc làm nhiệm vụ chữa cháy gần thị trấn Karystos trên đảo Evia ở phía Đông thủ đô Athens. Nhiệt độ trong tuần qua vượt quá 40 độ C trên các đảo du lịch Evia, Aigio, Rhodes và Corfu, kéo theo cháy rừng đã buộc nhà chức trách sơ tán hàng ngàn người dân và du khách, gây ra tình trạng hỗn loạn tại một số nhà ga sân bay.
Liên minh châu Âu (EU) tuần qua quyết định cử 450 lính cứu hỏa và một số máy bay chữa cháy tới giúp Athens, nhưng tình hình chưa được cải thiện rõ rệt. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng, nước này là một trong những quốc gia trên tuyến đầu chống biến đổi khí hậu và không có giải pháp nào dễ dàng thực hiện để chống biến đổi khí hậu.
“Tôi muốn nói rõ rằng, trước những gì mà toàn bộ hành tinh đang phải đối mặt, đặc biệt là Địa Trung Hải – điểm nóng của biến đổi khí hậu, không có cơ chế bảo vệ kỳ diệu nào, bởi nếu có thì chúng tôi đã thực hiện rồi”, ông Mitsotakis cho biết.
Ở Tây Ban Nha, cháy rừng đã bùng lên dữ dội trên đảo Gran Canaria, buộc nhà chức trách phải sơ tán hàng trăm người dân, đóng cửa loạt tuyến đường và huy động trực thăng để kiểm soát ngọn lửa. Trong khi đó, các quốc gia lân cận như Italy, Pháp, Bồ Đào Nha hay Cộng hòa Síp cũng đang ghi nhận nền nhiệt cao. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo tình trạng nắng nóng sẽ còn kéo dài một vài tuần nữa tại các quốc gia Nam Âu, đòi hỏi nhà chức trách tìm kiếm giải pháp hạn chế rủi ro.
Theo Reuters, nhiệt độ cao được mô tả là “kẻ giết người thầm lặng” gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe cho người nghèo, người già và người có bệnh nền. Những đợt nắng nóng nghiêm trọng được cho là đã khiến 61.000 người ở châu Âu thiệt mạng hồi năm ngoái, bên cạnh thiệt hại lớn về mùa màng và gia súc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nắng nóng sẽ làm trầm trọng thêm những chứng bệnh sẵn có ở mỗi người, đặc biệt đáng lo ngại ở nhóm bệnh tim mạch, tiểu đường và hen suyễn.
Bên cạnh tác động xấu đến môi trường từ cháy rừng. Hôm 25/7, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Hàng hải của Tây Ban Nha cho biết, nhiệt độ bề mặt của Địa Trung Hải ở mức 28,7 độ C, cao hơn nửa độ C so với mức kỷ lục được ghi nhận cách đây tròn 20 năm. Một nền nhiệt cao như vậy sẽ đe đọa tồn vong của các sinh vật biển. Trong đợt nắng nóng từ 2015 đến 2019, khoảng 50 loài bao gồm san hô và động vật thân mềm đã biến mất khỏi Địa Trung Hải, một số loài tuyệt chủng.
Về kinh tế, tổ chức tư vấn Chatham House (Anh) mới đây đánh giá biến đổi khí hậu là cú sốc tiếp theo đối với kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế đang ở giai đoạn điều chỉnh mạnh. Bloomberg cho biết, dù ngành du lịch của châu Âu ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 3,3% cho đến năm 2032, tần suất thời tiết cực đoan ở Nam Âu cũng như nhiều khu vực khác tại châu Âu có thể gây tổn thất cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế khu vực nói chung.
Theo dữ liệu mới nhất của Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC), số người dự định đi du lịch đến khu vực Địa Trung Hải từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay đã giảm 10% so với năm ngoái do thời tiết khắc nghiệt. Sự thay đổi đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du khách để tăng trưởng kinh tế.
Nguồn:
Ý kiến ()