Nắng nóng gia tăng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, hôm nay 30-6, vùng áp thấp nóng phía tây tiếp tục mở rộng về phía đông nam kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn cho nên nắng nóng gay gắt có xu hướng gia tăng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ. |
Trong đợt nắng nóng dự kiến kéo dài từ 3 đến 5 ngày này, nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) phổ biến ở mức từ 37 đến 39oC; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Trung Bộ phổ biến ở mức từ 38 đến 40oC. Trên biển, gió Nam cường độ yếu đến trung bình thịnh hành trên khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ. Các khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, bắc Biển Ðông, giữa Biển Ðông, nam Biển Ðông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vịnh Thái-lan có mưa rào và dông vài nơi. Tầm nhìn xa trên 10 km. * Thay mặt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kêu gọi đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động cả nước, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên cả nước chung tay góp sức cùng các lực lượng xã hội khác ủng hộ đồng bào tại các tỉnh miền núi phía bắc bị ảnh hưởng mưa lũ khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. * Chiều 29-6, tại Hà Nội, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp đợt hai gồm tiền và hàng trị giá hơn 870 triệu đồng cho hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mưa lũ. Như vậy, cả hai đợt cứu trợ có trị giá hơn 1,12 tỷ đồng. * Sáng 29-6, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố đã quyết định ủng hộ đồng bào ba tỉnh: Lai Châu, Hà Giang và Thái Nguyên hai tỷ đồng. Trong đó, Lai Châu một tỷ đồng; Hà Giang và Thái Nguyên mỗi tỉnh 500 triệu đồng. * Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trao số tiền 500 triệu đồng giúp đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Số tiền này được trích từ kinh phí hỗ trợ do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành ngân hàng dành một ngày lương ủng hộ đồng bào vùng lũ. * Ngân hàng Chính sách Xã hội ủng hộ hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu mỗi tỉnh 300 triệu đồng khắc phục hậu quả mưa lũ. Ðối với các gia đình bị thiệt hại 100% về nhà cửa và tài sản, đơn vị này hỗ trợ hai triệu đồng/hộ. * Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu đã thăm hỏi, động viên và trao 21 triệu đồng tặng bảy hộ dân bị thiệt hại nặng tại xã Căn Co và Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. * Sáng 29-6, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía bắc bị thiệt hại do mưa, lũ. Trước mắt, đã quyên góp được hơn 88 triệu đồng. * Công đoàn cơ sở Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ. Với tấm lòng và tinh thần tự nguyện, các cán bộ, công chức, đoàn viên Công đoàn đã quyên góp được 20 triệu đồng. * Tỉnh Lai Châu là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản, nhưng những ngày qua, lũ từ thượng nguồn đổ về đã mang theo nhiều gỗ, củi khô. Mặc dù chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo nghiêm cấm nhưng những người dân sống dọc theo suối Chu Va vẫn bất chấp nguy hiểm để xuống suối vớt củi. Tỉnh đã có công điện gửi các huyện, xã trong tỉnh nghiêm cấm không cho người dân vớt gỗ trên sông, suối. * Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước khuyến cáo nhà nông cân nhắc trước khi trồng các giống điều mới chưa được công nhận. Hiện, nhiều hộ dân đang khẩn trương đầu tư vốn tái canh vườn điều bằng nhiều giống khác nhau; trong đó có giống AB29 và AB05-08 chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh. * Tại tỉnh An Giang, điều kiện thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất lúa hè thu; trong đó, các huyện như Chợ Mới, Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú, An Phú bị mưa giông làm lúa ngập, đổ ngã. Ngoài ra, tình hình sâu bệnh cũng phát sinh mạnh, diện tích bị nhiễm bệnh từ đầu vụ đến nay hơn 46.230,5 ha, chủ yếu như rầy nâu, bệnh đạo ôn lá. Ngày 29-6, Tổng công ty Ðiện lực miền bắc (EVNNPC) cho biết, các đơn vị đã xử lý cung cấp điện trở lại cho nhiều trạm biến áp ở các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ ở các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang. Ðối với vị trí cột 138 bị đổ của đường dây 110 kV Sa Pa – Than Uyên hiện đang được khắc phục tạm và đường dây này đã đủ điều kiện vận hành bình thường trở lại. Còn lại ba vị trí cột 110 kV bị sạt lở cũng đã được gia cố tạm, cho phép vận hành và tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Tại ba tỉnh: Ðiện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, EVNNPC đã khôi phục được 26 trạm biếp áp bị ảnh hưởng. Riêng tại tỉnh Hà Giang, còn khoảng 50% số trạm biến áp bị ảnh hưởng vẫn chưa được phép đóng điện do nước vẫn còn ngập ở nhiều khu vực. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()