Nắng nóng đặc biệt gay gắt, hạn chế đi lại, lao động ngoài trời
Sơ cứu sốc nhiệt đúng cách
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai khuyến cáo, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
“Lúc này, đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào.
Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh”- TS. Tuấn tư vấn.
Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và tiến hành các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.
Các bác sĩ cho biết, say nắng là tình trạng cấp cứu, có thể gây tổn thương não, mê sảng, mất ý thức, thậm chí tử vong.
Để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước.
Khi nhiệt độ lên cao nắng nóng ngay gắt ở giờ cao điểm 11h – 15h nên hạn chế hoạt động ngoài trời và hãy uống đủ nước.
Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối…
Nắng nóng đặc biệt gay gắt diễn ra nhiều nơi
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây đang đầy dần lên với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (21/4), nắng nóng tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ từ 38-39 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Khu vực Hà Nội, trời nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-36 độ, ngày mai nền nhiệt độ giảm dần. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Cảnh báo, đợt nắng nóng diện rộng ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có thể kéo dài đến ngày 22/4; riêng khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây của Bắc Trung Bộ, các tỉnh trung và Nam Trung Bộ nắng nóng có thể kéo dài hơn.
Từ nay đến 24/4, ở các tỉnh Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16 giờ.
Cảnh báo tác động của nắng nóng, do ảnh hưởng của nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Bắc Bắc Bộ.
Ngoài ra, nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ hàng ngày, đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()