Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 4 bậc
Như vậy so với các nước ASEAN khác, Việt Nam đã tăng trưởng cao nhất trong khi hàng loạt “gã khổng lồ” trong ngành du lịch chứng kiến sự tụt hạng: Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 3 bậc so với năm 2017.
Đây cũng là thành tích nối dài chuỗi dấu ấn mà du lịch Việt Nam liên tiếp tạo ra trong thời gian qua như xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất hay giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” 2018 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới WTA trao tặng.
Báo cáo của WEF chỉ ra tốc độ bứt phá của Việt Nam đến từ sự cải thiện của độ mở quốc tế (tăng 15 bậc), trong đó, tăng mạnh nhất là chỉ số yêu cầu visa (tăng 63 bậc). Khả năng cạnh tranh về giá cả cũng tăng 13 bậc lên vị trí 22/140.
Đáng chú ý,việc tích cực thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tại những tỉnh, thành phố nhiều tiềm năng du lịch đã thúc đẩy hệ thống cơ sở vật chất, sản phẩm của ngành du lịch thay đổi diện mạo nhanh chóng. Khi các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế gia tăng, năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng được củng cố đáng kể.
Chỉ trong gần một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam đã và đang hình thành các quần thể nghỉ dưỡng tích hợp đầy đủ tiện ích theo mô hình “all in one”, biến chuyến đi của du khách trở nên thú vị và đặc biệt hơn.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các khu lưu trú chất lượng, quy hoạch đồng bộ hạ tầng vui chơi giải trí, mua sắm… cho khách du lịch, các nhà đầu tư lớn còn hướng đến kết nối nhiều lĩnh vực, tạo nên hệ sinh thái điểm đến như một điểm nhấn khác biệt trong chiến lược cạnh tranh.
Ngoài ra, một số nhóm chỉ số khác được xếp vào nhóm trung bình cao thế giới (từ hạng 36-70), gồm có: Nhân lực và thị trường lao động (hạng 47), hạ tầng hàng không (50), an toàn và an ninh (58), mức độ mở cửa quốc tế (58), môi trường kinh doanh (67).
Theo báo cáo, sức cạnh tranh về giá tăng 13 bậc lên hạng 22 với sự cải thiện về giá phòng khách sạn, giá nhiên liệu, thuế và lệ phí sân bay.
Hạ tầng hàng không tăng 11 bậc lên hạng 50 với việc gia tăng các hãng hàng không, các chuyến bay và số km vận chuyển nội địa và quốc tế, phản ánh tình hình sôi động của thị trường hàng không Việt Nam.
Mức độ mở cửa quốc tế tăng 15 bậc lên hạng 58, chủ yếu do chỉ số yêu cầu thị thực của Việt Nam cải thiện đáng kể, xếp hạng 53.
Tuy nhiên, theo báo cáo, Việt Nam với đặc điểm tương đồng với những quốc gia có ngành du lịch đang phát triển, vẫn phải giải quyết những hạn chế liên quan đến chất lượng lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng dịch vụ du lịch. Đây là những yếu tố có thể cản trở sự phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng cũng chỉ ra cần lưu ý đến việc bảo đảm môi trường, tính bền vững trong phát triển du lịch và mức độ ưu tiên cho ngành du lịch.
Ý kiến ()