Nâng hiệu suất thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ Linh hoạt các giải pháp
– Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 cửa khẩu đang hoạt động thông quan hàng hóa, trong đó có 2 cửa khẩu phụ là Cửa khẩu Cốc Nam và Cửa khẩu Na Hình. Tuy nhiên, hoạt động thông quan hàng hóa tại 2 cửa khẩu phụ rất “trầm lắng”.
Xe của doanh nghiệp Trung Quốc sang khu vực Cửa khẩu Cốc Nam để sang tải, nhận hàng xuất khẩu từ Việt Nam
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cốc Nam, từ ngày 26/9/2022, hoạt động thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu phụ Cốc Nam (Việt Nam) – Lũng Nghịu (Trung Quốc) đã được khôi phục. Tuy nhiên từ đó đến nay, số lượng xe chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu rất ít. Điển hình như từ đầu năm 2023 đến ngày 15/8/2023 chỉ có 3.541 xe chở hàng hóa xuất khẩu thông quan qua cửa khẩu, giảm gần 50% so với gần 8 tháng đầu năm 2021 (thời điểm trước khi tạm dừng hoạt động thông quan Cửa khẩu Cốc Nam để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 27/7/2021). Kim ngạch hàng hóa XNK qua Cửa khẩu Cốc Nam từ đầu năm đến ngày 15/8/2023 là hơn 70 triệu USD, giảm gần 19 triệu USD so với gần 8 tháng đầu năm 2021.
Ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cốc Nam cho biết: Nguyên nhân chính khiến lượng xe chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu giảm mạnh so với thời điểm trước khi tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 là do Trung Quốc có những “điều tiết mềm” trong hoạt động giao thương biên mậu (điều tiết giảm nhóm mặt hàng được thông quan qua cửa khẩu phụ), qua đó số nhóm mặt hàng thực hiện thông quan qua cặp cửa khẩu phụ Cốc Nam – Lũng Nghịu rất ít. Cụ thể, trong 17 nhóm mặt hàng trước đây thường xuyên hoạt động thông quan qua cửa khẩu thì từ khi mở cửa hoạt động trở lại chỉ còn mặt hàng nông sản khô và thủy sản tươi sống.
Tình trạng số lượng xe chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu giảm mạnh, nhất là không phát sinh xe chở hàng nhập khẩu đã làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu thuế XNK của chi cục. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/8/2023, Chi cục Hải quan Cốc Nam mới thu được gần 6,5 tỷ đồng (đạt trên 8% chỉ tiêu được giao của năm 2023).
Cửa khẩu phụ Na Hình mặc dù mới khôi phục hoạt động thông quan trở lại từ 28/7/2023, tuy nhiên, tình hình sau gần 1 tháng trở lại hoạt động cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo của Đội nghiệp vụ Hải quan tại Cửa khẩu phụ Na Hình, trong 9 nhóm mặt hàng trước đây vẫn thường xuyên thực hiện thông quan qua cửa khẩu, thì trong gần 1 tháng vừa qua chỉ còn 1 mặt hàng là tinh bột sắn doanh nghiệp làm thủ tục thông quan.
Ông Bùi Anh Quân, Đội trưởng Đội nghiệp vụ Hải quan Na Hình, Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết: Từ ngày 28/7 đến ngày 21/8, chỉ có 55 xe chở tinh bột sắn làm thủ tục xuất khẩu qua cửa khẩu Na Hình, tương đương hơn 2.000 tấn, trị giá trên 1 triệu USD. Nguyên nhân là do việc điều tiết thương mại biên giới của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Trung Quốc chưa chủ động nhận hàng tại cặp cửa khẩu này nên các doanh nghiệp phía Việt Nam cũng chưa đưa hàng lên để làm thủ tục thông quan hàng hóa tại đây.
Để nâng hiệu suất thông quan hàng hóa XNK qua Cửa khẩu Cốc Nam và Na Hình, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cốc Nam và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh (phụ trách Cửa khẩu Na Hình) tiếp tục tổ chức gặp mặt doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa để vận động các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ký kết với doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện giao dịch qua 2 cửa khẩu phụ. Từ đó nhằm thu hút các doanh nghiệp đưa hàng lên 2 cửa khẩu phụ làm thủ tục thông quan.
Xe chở hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Na Hình
Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu suất hoạt động của 2 cửa khẩu phụ đã khôi phụ hoạt động thông quan hàng hóa, hiện Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn đã phối hợp với Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh… gửi thư công tác đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc điều chỉnh tăng nhóm mặt hàng như: ván bóc, tinh bột sắn, hạt sen khô, thực phẩm khô, hạt vừng khô, sản phẩm gỗ, thủy hải sản tươi sống… được thực hiện hoạt động XNK qua các cửa khẩu phụ. Đồng thời, khôi phục hoạt động của cư dân biên giới qua các cửa khẩu phụ (cho phép cư dân biên giới của hai nước, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cặp cửa khẩu phụ giữa hai bên), từ đó thúc đẩy hoạt động biên mậu của các cặp cửa khẩu phụ.
Được biết, ngoài 2 cửa khẩu phụ đã khôi phục lại hoạt động thông quan, hiện các sở, ngành liên quan của tỉnh vẫn đang tiếp tục thúc đẩy hội đàm, trao đổi với cơ quan chức năng của nước bạn để tiếp tục mở lại hoạt động thông quan tại Cửa khẩu phụ Pò Nhùng, Cửa khẩu Nà Nưa…
Để các cửa khẩu phụ sau khi khôi phục thông quan hoạt động hiệu quả, trong tháng 7/2023, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng Đăng – Lạng Sơn và các sở, ngành của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh gửi công văn đề nghị Chính phủ gửi công hàm đề nghị Trung Quốc bổ sung thêm danh mục mặt hàng xuất khẩu qua các cặp cửa khẩu phụ giữa hai bên. Trong đó, trọng tâm là đề nghị hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn thực hiện XNK những mặt hàng thực phẩm đã chế biến, thủy hải sản tươi sống và nhất là mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam qua các cửa khẩu phụ. Cùng đó, ngay sau khi khôi phục hoạt động Cửa khẩu Na Hình, từ cuối tháng 7/2023, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn và Sở Công Thương tiếp tục gửi công văn đến chính quyền các tỉnh, thành trong cả nước để thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp các hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ của tỉnh để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đưa hàng hóa lên cửa khẩu phụ làm thủ tục thông quan, từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 cửa khẩu phụ.
Hy vọng, với sự nỗ lực triển khai các giải pháp của các cơ quan, lực lượng chức năng sẽ nâng hiệu suất thông quan hàng hóa qua 2 cửa khẩu phụ đã mở lại hoạt động thông quan, cũng như các cửa khẩu phụ sắp mở lại hoạt động trong thời gian tới.
Ý kiến ()