Nâng hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh
LSO-Xây dựng thương hiệu là một trong những hoạt động quan trọng, đánh giá mức độ thành công và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp Lạng Sơn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một bộ phận nhận thức chưa đầy đủ về xây dựng thương hiệu.
Sản xuất máy bơm tại Công ty TNHH Bảo Long |
TỪ NHỮNG BÀI HỌC
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện nay, doanh nghiệp Lạng Sơn còn thiếu chiến lược kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã chú ý đến xây dựng thương hiệu cho mình nhưng con số đó còn rất hạn chế và hiệu quả chưa cao. Đa số doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn mà thường chỉ đầu tư tập trung vào một số thời điểm nhất định khi thấy lợi ích trước mắt. Thực tế những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là chưa nhận thức đúng về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ông Từ Như Hiển, Trưởng Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp do thiếu chiến lược kinh doanh và còn thờ ơ với việc đầu tư xây dựng thương hiệu đã có những cái kết rất đáng tiếc. Đơn cử như Công ty TNHH Gốm sứ Hưng Thịnh, đã có thời gian công ty hoạt động rất hiệu quả, phân phối sản phẩm gốm sứ khắp cả nước, thậm chí xuất khẩu ra các nước lân cận trong khu vực, thu hút và tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan, trong đó một phần quan trọng là chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phát triển thương hiệu để rồi dần mất thị phần, dẫn đến ngừng hoạt động.
Cũng tương tự, Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại tranh Thái Bình (Cao Lộc), thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009. Ngay những năm đầu, công ty đã gặt hái được nhiều thành công, sản phẩm đồng hồ tranh của công ty phân phối đến hầu hết các đại lý bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh và từ đó đi khắp cả nước. Khi đó, cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại đã tư vấn cho công ty nên đầu tư xây dựng thương hiệu một cách bài bản và chuyên nghiệp thì ban lãnh đạo công ty cho rằng đang sản xuất không kịp cho tiêu thụ thì cần gì đầu tư thương hiệu. Đến nay, công ty đã chính thức ngừng hoạt động.
Đó chỉ là hai trong số nhiều trường hợp doanh nghiệp vì thiếu chiến lược kinh doanh, chưa thực sự khẳng định được thương hiệu trên thị trường nên chưa kịp trưởng thành đã ngừng hoạt động. Để doanh nghiệp Lạng Sơn có thể phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập sâu, rộng như hiện nay thì cần có những giải pháp và một sự đổi thay đồng bộ từ nhà quản lý doanh nghiệp cho đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
TÌM NHỮNG GIẢI PHÁP
Trước thực trạng trên và trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, các doanh nghiệp Lạng Sơn nói riêng và trên cả nước nói chung đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn. Bởi tới đây, theo tiến trình Việt Nam cam kết thực hiện khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nếu không tận dụng tốt, các doanh nghiệp của nước ta không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững. Khi giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu vào nội địa với giá cả cạnh tranh tăng mạnh. Hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan trong nước sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh gay gắt.
Ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn cho biết: trong bối cảnh như hiện nay, các nhà quản lý doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức quan trọng trong việc quản trị kinh doanh, trong đó, quan trọng là học tập những kỹ năng xây dựng thương hiệu một cách bài bản, chuyên nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 22/5/2015 Hội đã phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức đợt tập huấn “ Kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Qua đó, từng bước giúp doanh nghiệp tiếp cận những kiến thức cơ bản và hiểu rõ hơn về thương hiệu.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian tới, ngành xác định tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu. Tăng cường quảng bá chương trình và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các sự kiện thương mại quốc tế như hội trợ triển lãm ở trong nước và nước ngoài. Cùng với đó, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()