Nâng hiệu quả sản xuất giống lúa Khẩu Lùm Pua trên vùng đất khó
LSO-Khẩu Lùm Pua là giống lúa nương bản địa có hương vị đặc trưng, thơm ngon, vị đậm, dẻo… của người dân xã Tân Tiến, huyện Tràng Định. Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tràng Định phối hợp với UBND xã Tân Tiến tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng giống lúa này trên đất nương để duy trì và bảo tồn giống lúa bản địa.
Người dân xã Tân Tiến, huyện Tràng Định thu hoạch lúa Khẩu Lùm Pua
Là giống lúa có từ xa xưa, Khẩu Lùm Pua được người dân xã Tân Tiến gieo trồng chủ yếu trên nương cao. Tuy là giống lúa đặc sản, được nhiều khách hàng ưa chuộng nhưng hiện nay số hộ gieo trồng không nhiều, chủ yếu để phục vụ nhu cầu gia đình do việc sản xuất trên nương gặp nhiều khó khăn và năng suất không ổn định như những loại lúa khác.
Loại gạo này ăn có vị thơm, ngon, dẻo… Theo lời kể của các bậc cao niên ở xã Tân Tiến, vì gạo ngon quá nên người vợ ăn hết nồi cơm quên cả phần chồng nên gạo này có tên Khẩu Lùm Pua. Dịch từ tiếng Tày thì Khẩu Lùm Pua nghĩa là “gạo quên chồng”. |
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết: Với những ưu điểm, lợi thế, chất lượng của giống lúa Khẩu Lùm Pua, việc giữ gìn giống lúa bản địa này là rất cần thiết, đặc biệt là hướng đến mục tiêu giới thiệu sản phẩm gạo Khẩu Lùm Pua đến khách hàng ở trong và ngoài tỉnh, năm 2019, HTX đã phối hợp với UBND xã Tân Tiến phục tráng giống lúa này trên đất nương. Theo đó, tôi cũng như các thành viên HTX đã đến tận các thôn, bản của xã để tuyên truyền, vận động người dân đưa giống lúa Khẩu Lùm Pua vào gieo cấy. Sản lượng thóc được HTX bao tiêu toàn bộ.
Được tuyên truyền từ chính quyền xã và HTX, người dân Tân Tiến tích cực sản xuất lúa Khẩu Lùm Pua. Nếu như những năm trước, người dân trong xã chỉ gieo cấy khoảng 3 đến 4 ha/vụ mùa thì vụ mùa năm 2020, gần 200 hộ dân trong xã đã trồng được hơn 10 ha lúa Khẩu Lùm Pua. Trong quá trình sinh trưởng, cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, bông to, hạt mẩy. Khi thu hoạch, năng suất đạt 40 tạ/ha (tăng khoảng 1 tạ/ha so với vụ mùa năm trước), tổng sản lượng đạt khoảng 40 tấn, cho giá trị kinh tế khoảng 1 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Khẩu Lùm Pua là giống lúa đặc sản bản địa, tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, năm 2019, khi HTX Nông sản sạch Tràng Định đặt vấn đề về việc phục tráng giống lúa này trên địa bàn xã, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền đến người dân tham gia sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích ở những nương đồi phù hợp với giống lúa; phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc…, qua đó, hướng đến sản xuất hàng hóa gạo Khẩu Lùm Pua.
Bà Hoàng Thị Thảo, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến cho biết: Hằng năm, cứ qua dịp Tết Nguyên đán, vào khoảng tháng 2, tháng 3, gia đình tôi bắt đầu làm cỏ dưới gốc cây quế, đến tháng 4 âm lịch bắt đầu mang thóc giống trồng xen dưới tán quế. Tuy nhiên, gia đình tôi chỉ trồng một ít để ăn. Được tuyên truyền và nhận thấy giá trị của loại gạo đặc sản này, vụ mùa vừa qua, gia đình tôi trồng 3 sào lúa Khẩu Lùm Pua. Sau khi thu hoạch, hơn 3 tạ thóc được HTX bao tiêu với giá 25.000 đồng/kg đem về thu nhập cho gia đình tôi 8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với sản xuất lúa khác.
Được biết, từ những thành công bước đầu, thời gian tới, HTX Nông sản sạch Tràng Định sẽ tiếp tục phối hợp triển khai, mở rộng sản xuất lúa Khẩu Lùm Pua tại các xã có đồi nương phù hợp như: Cao Minh, Đoàn Kết, Khánh Long. Cùng đó, HTX sẽ phối hợp hướng dẫn quy trình sản xuất đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mục tiêu hướng tới sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Khẩu Lùm Pua và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng khó khăn của huyện Tràng Định.
Ý kiến ()