Năng động Lộc Bình
LSO-Những năm gần đây, người nông dân Lộc Bình như khá hẳn lên vì đã chọn đúng hướng phát triển kinh tế, đó là nông lâm nghiệp và dịch vụ. Người nông dân đã biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác thế mạnh của rừng. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ thuần nông sang dịch vụ. Điều đó đã mang lại một Lộc Bình năng động trong giảm nghèo.
Nông dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình thu hoạch củ đậu |
Nhớ có lần trao đổi với anh Lý Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, anh cho biết: “Nông dân toàn huyện đã tiếp cận một cách khá nhanh và năng động với giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng rừng…Nhờ vậy đã góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn toàn huyện. Không ít hộ nông dân đã giàu lên nhờ trồng rừng, thâm canh tăng vụ, làm dịch vụ”. Với lợi thế huyện biên giới, ngay khi nông dân Trung Quốc đưa giống mới vào sản xuất như lúa lai Khang dân, Bồi tạp sơn thanh, khoai tây, dưa hấu, củ đậu thì nông dân Lộc Bình cũng là những người tiếp cận và đưa các loại cây trồng này vào sớm nhất. Các cánh đồng 50 triệu trở lên ở các xã Đồng Bục, Quan Bản, Bằng Khánh… xuất hiện ngày một nhiều.
Trung bình mỗi vụ Lộc Bình gieo trồng trên 2.000 ha rau màu, cây có hạt thì giống mới đã chiếm tới 70%, đặc biệt là cây ngô giống mới như NK 54, DK888, DK 999 đã chiếm 100% diện tích, năng suất ngô trung bình đạt trên 50 tạ/1ha. Không chỉ đưa giống mới vào sản xuất, nông dân đã tăng cường rút ngắn khung thời vụ, tăng nhanh vòng quay của đất, những cánh đồng hai lúa 2 màu, 1 lúa 3 màu xuất hiện ngày càng nhiều. Trên khắp các cánh đồng đất Lộc Bình mùa nào thức ấy, người dân đã tăng cường các sản phẩm rau màu hàng hóa để thâm canh tăng vụ như ớt xuất khẩu, củ đậu…Chị Mai Thị Chung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết, trong vòng từ năm 2011 đến nay, trạm phối hợp với các công ty giống đã triển khai trên 110 mô hình trình diễn tại huyện. Ngay sau khi trình diễn nông dân đã biết nhân rộng các mô hình nên hiệu quả sản xuất mang lại rất cao. Nhiều mô hình ngô lai ở thị trấn Lộc Bình, xã Đồng Bục, Xuân Tình, Hiệp Hạ… đã mang lại năng suất 55 tạ/1ha.
Phát huy lợi thế biên giới cửa khẩu, nhiều hộ nông dân đã sang Trung Quốc mua giống mới, học ươm ghép dưa hấu lai bầu như hộ gia đình anh Lộc Văn Hỷ xã Đồng Bục đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Là một trong những hộ trồng củ đậu đầu tiên ở Lộc Bình, anh Hoàng Văn Thuận nông dân thôn Tắng Mật, xã Bằng Khánh tâm sự, trước đây do nhà nghèo anh phải sang Trung Quốc làm thuê. Thấy người dân trồng củ đậu, anh thích luôn mô hình này và xin làm việc cho họ để “học nghề”. Qua một vụ anh mua giống trồng thí điểm. Ngay vụ củ đậu đầu tiên anh đã thu 15 triệu đồng, ở thời điểm những năm 2000 thì số tiền ấy là cả một gia tài. Từ một nông dân đi làm thuê, giờ đây anh Thuận đã xây được nhà mới, mua sắm các tư liệu sinh hoạt, sản xuất đắt tiền. Anh trở thành một điển hình nông dân vượt khó đi lên. Và còn rất nhiều những tấm gương năng động trong sản xuất mà chúng tôi chưa kể hết ở đây.
Không chỉ trong nông nghiệp mà trong lâm nghiệp, nông dân Lộc Bình cũng phát huy thế mạnh khá tốt. Hiện toàn huyện đã có trên 20 nghìn ha thông đang cho khai thác gỗ và nhựa. Riêng nhựa thông mỗi năm đã mang lại cho nông dân hàng chục tỷ đồng. Những ngôi nhà khang trang từ nhựa thông ở các xã xa xôi như Tam Gia, Tĩnh Bắc, Yên Khoái, Tú Mịch ngày một nhiều lên. Từ trồng rừng đã làm cho người nông dân biết quý rừng, bảo vệ rừng. Anh Đoàn Văn Tinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện khẳng định, giờ đây đất rừng đã được giao cho dân ở huyện Lộc Bình không còn chỗ nào là đồi núi trọc. Rừng đã giúp người nông dân chuyển dịch cơ cấu lao động từ thuần nông sang nông lâm kết hợp. Cá biệt có nững hộ dân chuyển sang thâm canh rừng, làm giàu từ rừng.
Tận dụng lợi thế cửa khẩu, người dân các xã biên giới như Yên Khoái, Tú Mịch và các xã lân cận đã khai thác lợi thế bằng các mô hình dịch vụ. Hiện toàn huyện đã có 5 công ty, hợp tác xã dịch vụ bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu, đã thu hút hàng nghìn lao động nông nhàn làm dịch vụ. Nhiều hộ đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ tại quê nhà. Và trong tương lai, phát huy lợi thế biên giới cửa khẩu, chắc chắn người nông dân sẽ tiếp tục tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách tự giác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lao động ngày một tốt hơn để xây dựng một Lộc Bình năng động hơn trong phát triển kinh tế.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()