Nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh
Lớp học may áo sơ-mi tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm. Hà Nội hiện có khoảng 90 nghìn người khuyết tật (NKT). Trong số này có khoảng một phần ba là thanh niên, gần 45% là phụ nữ, phần lớn thuộc diện các gia đình hộ nghèo và cận nghèo, là đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội. Ngoài ra còn khoảng 1.000 NKT từ các địa phương khác cũng đang học tập, sinh sống và làm việc tại Thủ đô.Tìm việc làm và tiêu thụ sản phẩm do NKT làm ra đang là những vấn đề được Thành hội Hà Nội và các cơ sở sản xuất của NKT quan tâm, nhằm tạo ra cơ hội cho NKT không những có việc làm, mà còn có thu nhập ổn định cuộc sống. Khởi nghiệp giúp NKTNằm bên bờ sông Nhuệ, con đường đến làng cổ Cự Đà, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được ra đời từ tấm lòng hảo tâm của hai vợ chồng chị Đoàn Thị Hoa, ở thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Những ngày mới thành lập, cơ sở...
Lớp học may áo sơ-mi tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm. |
Tìm việc làm và tiêu thụ sản phẩm do NKT làm ra đang là những vấn đề được Thành hội Hà Nội và các cơ sở sản xuất của NKT quan tâm, nhằm tạo ra cơ hội cho NKT không những có việc làm, mà còn có thu nhập ổn định cuộc sống.
Khởi nghiệp giúp NKT
Nằm bên bờ sông Nhuệ, con đường đến làng cổ Cự Đà, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được ra đời từ tấm lòng hảo tâm của hai vợ chồng chị Đoàn Thị Hoa, ở thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Những ngày mới thành lập, cơ sở vật chất ban đầu chẳng có gì, ngoài hơn một nghìn m2 đất của gia đình, được anh chị cắt ra 600 m để xây một xưởng dạy nghề làm con giống bằng giấy, thêu, may cho khoảng 30 NKT. Nhưng đến nay, do số lượng NKT đến với trung tâm nhiều hơn, khoảng 65 người, trong đó 35 em ăn ở nội trú, vợ chồng chị đổi khu nhà cũ sang khu xưởng và dành cả cơ ngơi rộng lớn 1.300 m2 để xây gồm xưởng may rộng 100m2, xưởng thủ công 80 m2, khu nhà ở gồm năm phòng, rộng 162 m2, ngoài ra còn sân chơi, vườn rau xanh rộng 300m2 cung cấp đủ rau cho các bữa ăn. Giám đốc trung tâm Đoàn Thị Hoa tâm sự: “Sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực Chữ thập đỏ, tôi nhận thấy, chúng ta thật sự rất may mắn khi được sinh ra với cơ thể lành lặn, được hưởng tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ và người thân, được cắp sách đến trường và hòa nhập với cộng đồng xã hội. Nhưng cũng có biết bao em bé mồ côi, tật nguyền đã không có được những hạnh phúc rất đỗi bình dị ấy trong cuộc sống ngay từ lúc chào đời. Các em cũng đang khao khát và cũng mong ước như bao đứa trẻ bình thường khác, để nhận được sự quan tâm từ cộng đồng, để xua đi bao nỗi cay đắng bất hạnh trong cuộc sống”. Từ tâm nguyện ấy, năm 2007, cơ sở dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã ra đời dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hỗ trợ – Giáo dục trẻ em thiệt thòi (OSEDC) Việt Nam và đến tháng 4-2010, được đổi thành Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.
Với mong muốn trở thành mái nhà thứ hai của những người thiệt thòi do khuyết tật vận động, nhiễm chất độc da cam, di chứng chiến tranh, trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trung tâm tập hợp những người có tâm huyết làm việc thiện đến với các hoạt động vì lợi ích cao nhất của NKT. Năm 2008, chị Hoa đã cử cán bộ lên Móng Cái để học cách làm hoa lụa. Mới đầu nghề này cũng độc đáo, có điều kiện giúp NKT được. Nhưng sau hai năm hoạt động, nguồn nguyên liệu thiếu, giá thành cao, lại không cạnh tranh được với hoa của Trung Quốc làm cho trung tâm gặp không ít khó khăn. Kiên trì bám nghề, nhất là vào những năm 2010-2011 được sự hỗ trợ, động viên của các ban, ngành, đoàn thể và nhất là Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT-TMC) TP Hà Nội, trung tâm đã tìm nghề phù hợp NKT và tổ chức dạy các nghề may, thêu, thủ công mỹ nghệ, mộc, hoa lụa, văn hóa, dạy vi tính, tin học cho NKT. Đến nay, đã có 98 người thành nghề, ra hòa nhập cộng đồng, có thể trợ giúp gia đình.
Cũng với chức năng dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm được thành lập vào năm 2006. Ngay sau khi thành lập, trung tâm đã khắc phục mọi khó khăn, tìm hướng đi mới, đưa công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, nhất là người lao động khuyết tật. Trong những năm qua, trung tâm Minh Tâm đã đào tạo được 50 lớp học nghề, (với mười lớp học nghề mộc đục chạm, 28 lớp mây tre đan xuất khẩu, 12 lớp may công nghiệp cho 1.504 học viên), tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 1.300 lao động, trong đó có 364 lao động là NKT. Để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho trung tâm hoạt động, mới đây được sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ NTT-TMC thành phố Hà Nội, Hội Hữu nghị Hàn -Việt, Việt-Hàn, Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc đã tài trợ 164.240 USD, tương đương 3,4 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng trung tâm, trang bị nội thất hiện đại. Giám đốc trung tâm Vũ Thị Xiêm cho biết: “Ngoài việc dạy nghề, chúng tôi luôn quan tâm hoạt động tinh thần như đưa học viên đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các trung tâm bạn, thăm các doanh nghiệp, các khu di tích lịch sử. Tổ chức khám bệnh định kỳ cho học viên, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… tạo tinh thần tốt nhất cho người lao động, giúp họ luôn gắn kết với công việc và trung tâm”.
Vượt qua mặc cảm,khổ luyện lập thân
Với chiếc nẹp kim loại, Nguyễn Thị Kiều, ở thôn 2, xã Phúc Lộc, TP Yên Bái thoăn thoắt quấn những sợi dây bằng giấy gắn lên mặt tờ giấy to. Hình hài con rồng bay trong mây dần dần hiện lên trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Kiều cho biết: Bố mất sớm, mẹ bị câm điếc, bản thân lại bị gù từ nhỏ, nếu không có sự giúp đỡ của “mẹ” Quỳnh Hoa, người đã cứu mang nuôi ăn, dạy nghề thì em không biết cuộc sống của em sẽ ra sao? Giờ đây, không những em có cuộc sống tốt, có nghề phù hợp sức khỏe, mà hằng tháng còn dành được ít tiền gửi về giúp mẹ ở quê. Lê Hoài Thu, ở tổ 5, Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân (Hà Nội), có hoàn cảnh cũng hết sức khó khăn, bản thân bị câm điếc bẩm sinh, lại đang bị bệnh lao phổi, phải nuôi con nhỏ ba tuổi, gia đình nghèo. Cuộc sống của hai mẹ con hoàn toàn nương nhờ vào trung tâm. Nhờ kiên trì học tập, đến nay Thu cũng đã học được nghề ghép tranh giấy. Không chỉ dạy nghề tại chỗ, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa còn tạo điều kiện cho nhiều NKT mở cửa hàng tại gia đình sau khi đã được học nghề ở trung tâm. Điển hình như: vợ chồng mở cửa hàng may tại xóm 7, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Phạm Thị Nguyệt, bị dị tật hai chân và hở hàm ếch, mở cửa hàng may ở Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì…
Ở tuổi 38, anh Nguyễn Tuấn Hạnh, ở xã Dị Nậu, thôn Hòa Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) tuy có thân hình to cao, nhưng do tay trái bị khèo và bị nói ngọng nên xin học việc ở đâu cũng khó. Sau sáu tháng kiên trì học nghề tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm, đến nay anh đã thành thạo nghề đánh bóng sản phẩm gỗ tại xưởng mộc của trung tâm. Là con đầu trong gia đình, nhưng Nguyễn Thị Thủy, 25 tuổi, ở xóm Rẻ, xã Yên Quang, Kỳ Sơn (Hòa Bình) không được may mắn như các em, bởi ngay từ nhỏ, Thùy đã bị tật hai chân không bằng nhau, nên việc đi lại khó khăn. Thủy tâm sự: “Sau một lần xem vô tuyến, em được biết Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Tâm có chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, em được gia đình đưa đến và thật hạnh phúc, sau thời gian học nghề, nhờ sự chỉ bảo tận tình của các cô, chú, anh, chị và các bạn đồng cảnh trong trung tâm, đến nay em đã có thể may thành thạo cổ áo sơ-mi, bước đầu có thu nhập phụ giúp bố mẹ nuôi các em”.
Chương trình dạy nghề, tạo việc làm đã và đang tạo ra cơ hội cho rất nhiều NKT ở các trung tâm, cơ sở dạy nghề từ thiện. Từ mô hình “trao cần câu”, hiện nay khoảng 70 đến 75% số hội viên sau học nghề có thể tìm được việc làm tại chỗ, hoặc tự mở cửa hàng. Các sản phẩm do NKT làm ra không thua kém hàng của nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong nước. Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT-TMC thành phố Xuân Thị Lan cho biết: Ngoài việc dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, hội còn triển khai các dự án sinh kế như nuôi lợn, bò tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ và tổ chức cấp xe lăn, xe lắc, xe đạp, làm đường giao thông không vật cản, trao học bổng tặng trẻ mồ côi…, từng bước giúp NKT có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, do kinh phí đào tạo nghề cho NKT còn hạn hẹp, chủ yếu là tự giúp nhau và nhờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức, cộng đồng. Cơ chế chính sách bảo hiểm cho NKT tại các trung tâm chưa có. Nhận thức của một bộ phận xã hội đối với NKT chưa đúng mức, vô hình trung tạo ra vật cản đối với NKT khi tham gia học nghề và được nhận vào làm tại các cơ quan, doanh nghiệp. Nên chăng cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn, sát thực hơn đối với NKT để giúp họ tự vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội của Chính phủ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()