Nâng chất và lượng
LSO-Sau hơn 7 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, từ năm 2011 đến nay, hơn 25.670 người dân trong tỉnh đã được đào tạo nghề. Trên cơ sở kiến thức được học, người dân áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn dạy nghề may thời trang cho học viên huyện Cao Lộc |
Tăng số lượng
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh, mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên các cấp tuyên truyền thông qua công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề tại các gia đình, hội nghị chuyên đề, cấp phát tài liệu, sổ tay, tờ rơi, thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, một số mô hình đào tạo nghề có hiệu quả được nhân rộng như: mô hình trồng và chăm sóc na ở Chi Lăng, Hữu Lũng; mô hình chăn nuôi lợn ở Lộc Bình, Văn Lãng; mô hình nuôi gà ở Cao Lộc… Công tác xã hội hóa đào tạo nghề được khuyến khích với việc liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.
Với cách làm trên, từ năm 2011 đến năm 2018, có hơn 100 hội nghị được tổ chức, gần 200 buổi tuyên truyền lồng ghép, phát gần 5.000 sổ tay, áp phích cho trên 350.000 người; đăng tải gần 700 tin, bài nội dung liên quan đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Nhờ đó, công tác dạy nghề từ chỗ khó tuyển sinh thì nay đã có bước chuyển biến tích cực, 100% kinh phí dành cho đào tạo nghề cho LĐNT được giải ngân. Tổng số LĐNT được đào tạo nghề từ năm 2011 đến hết năm 2017 là trên 25.670 người, trong đó năm 2011 có trên 2.750 LĐNT được đào tạo, năm 2017 tăng lên trên 4.130 LĐNT được đào tạo nghề, đạt 100% chỉ tiêu đề ra, tăng gần 1.600 LĐNT so với năm 2016.
Số LĐNT được đào tạo tăng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh lên 47,6%, năm sau luôn tăng so với năm trước từ 2% trở lên.
Giáo viên dạy nghề (bên trái) hướng dẫn học viên kỹ thuật |
Nâng chất lượng
Nếu như những năm đầu triển khai đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn tình trạng người dân bỏ học giữa chừng, có tên trong danh sách nhưng chỉ đến lấy tiền hỗ trợ rồi không đến học thì thời gian gần đây, qua khảo sát, đánh giá thực tế tại một số lớp dạy nghề cho LĐNT của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì tình trạng trên đã cơ bản chấm dứt. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Phòng phụ trách Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tại các lớp học, bà con đến lớp đông đủ, nếu nghỉ đều báo cáo giáo viên, cơ bản tinh thần học tập khá tốt. Vì vậy, chất lượng dạy học ngày càng được nâng lên. Bà Đồng Lệ Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Trước kia, mỗi lớp đào tạo nghề cho LĐNT chỉ có khoảng 30% – 50% học viên đạt khá, giỏi thì mấy năm trở lại đây, tỷ lệ này là 70% – 80%, cá biệt có lớp tỷ lệ khá, giỏi chiếm 100%.
Để có kết quả trên, ngành chức năng đã tăng cường nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu trang bị kiến thức và nguyện vọng của LĐNT trong sản xuất, chăn nuôi và nhu cầu tìm kiếm lao động qua đào tạo của các đơn vị, doanh nghiệp. Cụ thể như ở vùng có thế mạnh trồng na, chăn nuôi lợn như: Hữu Lũng, Chi Lăng, LĐNT được tham gia các lớp đào tạo về: kỹ thuật trồng na, phòng trừ dịch bệnh trên cây na; chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn… Ở Cao Lộc, người dân được tham gia học các lớp chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. Hay ở thành phố Lạng Sơn, LĐNT được học các ngành nghề phi nông nghiệp như: nấu ăn, lắp ráp xe đạp điện… Bên cạnh đó, các giáo viên đã thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học, tăng thời lượng thực hành, bố trí hợp lý thời gian lên lớp… nên thu hút được LĐNT đăng ký, tham gia học nghề.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh, qua học nghề, có trên 90% lao động các nghề nông nghiệp biết áp dụng kiến thức, kinh nghiệm tiếp thu được vào thực tế sản xuất có hiệu quả; 80% học viên học nghề phi nông nghiệp có việc làm tại các trường bán trú, doanh nghiệp với mức thu nhập đảm bảo cuộc sống. Đáng mừng hơn là qua khảo sát, các đối tượng học nghề (trên 95% là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo thiếu việc làm) có việc làm đã biết nâng cao năng suất lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3% trở lên.
THANH HÒA
Ý kiến ()