Nâng chất lượng thông tin cơ sở, tạo đồng thuận trong Nhân dân
– Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 5/9/2016 về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở (TTCS) trong tình hình mới” (Chỉ thị 07), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện hiệu quả Chỉ thị 07 nhằm cung cấp thông tin, giúp người dân nắm bắt tình hình nhanh chóng, đầy đủ, chính xác.
Công chức văn hóa – xã hội xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đọc tài liệu tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh
Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của thông tin đại chúng, TTCS vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Ngoài tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, TTCS còn góp phần đảm bảo nhu cầu cung cấp thông tin đến với người dân, qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.
Nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác TTCS
Xác định TTCS là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã bám sát nội dung Chỉ thị 07 và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và tình hình thực tế để quán triệt, triển khai thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 07. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 29-HD/BTGTU, ngày 4/5/2017 tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 07. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND, ngày 28/3/2017 về thực hiện Chỉ thị 07 và Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg, ngày 6/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động TTCS. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TTCS.
Đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Từ khi thực hiện Chỉ thị 07 đến nay, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác TTCS. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đã được sâu sát cơ sở, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, ổn định tình hình chính trị tư tưởng, bảo đảm quốc phòng – an ninh tại cơ sở.
Cùng đó, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tổ chức cung cấp thông tin, quản lý nội dung thông tin và tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền ở cơ sở cũng được thường xuyên, chặt chẽ và có hệ thống. Nổi bật, các sở, ngành, huyện, thành phố quan tâm ký kết hợp đồng xây dựng chuyên mục, chương trình phối hợp tuyên truyền trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình (PT – TH) tỉnh để đưa thông tin đến cơ sở.
Ông Hà Đình Hải, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết: Trong những năm qua BHXH tỉnh tiếp tục duy trì việc ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền qua chuyên mục “BHXH với cuộc sống” với Báo Lạng Sơn và Đài PT – TH tỉnh với tần suất 2 chuyên mục (bài, phóng sự)/tháng. Trung bình mỗi năm, hai đơn vị thông tin đại chúng thực hiện, đăng, phát hơn 200 tin, bài, ảnh, phóng sự để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế ; kết quả hoạt động của ngành BHXH trên địa bàn tỉnh. BHXH các huyện, thành phố đều phối hợp với trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông cấp huyện tổ chức tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Qua đây, đưa chính sách bảo hiểm đến với đông đảo quần chúng Nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh có 66.795 người tham gia BHXH, đạt 91,2% kế hoạch giao; 689.601 người tham gia bảo hiểm y tế , đạt tỷ lệ bao phủ 85,98%.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại
Để Chỉ thị 07 đi vào thực tiễn, UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động TTCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời thúc đẩy xu hướng đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi đài truyền thanh công nghệ cũ (có dây, FM) sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số (truyền thanh IP) với nhiều ưu điểm và tiện ích trong quá trình quản lý, vận hành, cũng như mở rộng phạm vi phủ sóng đến các khu vực khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo đó lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật làm công tác TTCS ngày càng được quan tâm bố trí, đầu tư từ cấp tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 165/200 xã, phường, thị trấn (chiếm 82,5%) có đài truyền thanh cấp cơ sở đang hoạt động. Trong đó, có 138 xã có đài truyền thanh không dây phát sóng FM; 26 xã có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; 1 xã có đài truyền thanh có dây. Trong số các xã có đài, có 116 xã (chiếm 70%) đã được đầu tư trang bị máy vi tính phục vụ cho việc biên tập, sản xuất, phát sóng các chương trình truyền thanh của xã.
Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Xã được cung cấp hệ thống truyền thanh FM từ năm 2014 với đầy đủ máy móc, phương tiện, hiện nay xã có 24 cụm loa/11 thôn, tiếp sóng đài huyện 2 lần/ngày. Khi có thông tin chủ trương mới, công chức văn hóa – xã hội của xã thực hiện chuyển văn bản sang giọng nói dễ dàng trên phần mềm của tỉnh cung cấp miễn phí, để kịp thời tuyên truyền cho người dân qua hệ thống loa truyền thanh. Nhờ đó, người dân kịp thời nắm bắt các chính sách, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.
Cùng đó, tỉnh đã triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (từ 2022). Thông qua hệ thống này, đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS tổ chức biên soạn bản tin phát thanh trên đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, bản tin đăng tải trên bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện thông tin cơ sở khác. Ngoài ra, hệ thống này còn có các chức năng quản lý các cụm loa truyền thanh, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện TTCS khác trên địa bàn tỉnh.
Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các cấp, ngành đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng luôn tích cực đổi mới hình thức truyền tải thông tin đến độc giả. Điển hình như Báo Lạng Sơn, hiện nay ngoài báo in có báo điện tử, tài khoản Zalo OA, Fanpage Facebook. Số lượng phát hành trung bình hằng năm khoảng trên 1,5 triệu tờ/năm. Hiện nay, Báo Lạng Sơn điện tử có 3 phiên bản: Tiếng Việt (trung bình đăng trên 60 tin, bài/ngày); tiếng Anh và tiếng Trung (duy trì cập nhật 20 tin, bài biên dịch/ngày). Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ công tác tuyên truyền. Từ năm 2017 đến nay, Đài PT – TH tỉnh sản xuất, biên dịch và phát sóng gần 3.200 chương trình phát thanh thời sự tổng hợp tiếng Tày, Nùng, Dao; biên dịch và sản xuất gần 1.600 chương trình truyền hình tiếng dân tộc… Cùng đó, việc đưa thông tin về cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, cổ động trực quan bằng pa-nô, áp-phích, băng rôn, tuyên truyền lưu động tại phiên chợ, sân khấu hóa các cuộc thi, hội nghị báo cáo viên hằng tháng, đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội, hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-iOffice, mạng nội bộ, cổng thông tin điện tử…
Nội dung tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng như: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở; kiến thức khoa học, kinh tế, xã hội; quốc phòng, an ninh… Trong các dịp đặc biệt như: bầu cử đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, đại hội đảng bộ các cấp, phòng, chống dịch bệnh… công tác TTCS đã triển khai sâu rộng và thể hiện hiệu quả rõ nét đối với quần chúng Nhân dân.
Tiêu biểu trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, công tác TTCS vẫn phát huy vai trò, linh hoạt hình thức đưa thông tin đến với người dân. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã thành lập các đội tuyên truyền lưu động, tổ COVID cộng đồng đến từng hộ tuyên truyền. Đồng thời, phát huy tối đa công suất của hệ thống loa truyền thanh tại các khu dân cư, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền qua mạng xã hội để kịp thời thông tin phòng, chống dịch đến người dân. Chị Lê Thị Tuyến, thôn 2, xã Đào Viên, huyện Tràng Định cho biết: Dù ở xã vùng 3 nhưng chúng tôi vẫn được tiếp cận kịp thời các thông tin tuyên truyền qua cán bộ xã, thôn, hội nghị, loa truyền thanh, mạng xã hội… Từ đó, chúng tôi hiểu biết hơn các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia các phong trào hoạt động của thôn, xã.
Thực tế từ khi triển khai Chỉ thị 07 đến nay cho thấy, công tác TTCS đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa các phương tiện truyền thông hiện đại với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết chế văn hóa TTCS; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cho người dân. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, củng cố sự đoàn kết, đồng thuận của xã hội, đưa các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 07 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 2.900 chiếc radio có khả năng thu nghe các chương trình phát thanh; tổ chức sản xuất 20 ấn phẩm khoa giáo truyền hình cho các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện; xây dựng và đưa vào hoạt động được 13 cụm TTCS; trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động cho 9 huyện và 50; in hơn 600 cuốn “Sổ tay công tác TTCS” làm tài liệu cho cán bộ, công chức, viên chức tại các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn nắm vững kiến thức cơ bản về công tác TTCS… |
Ý kiến ()