Nâng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
LSO-Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020” được triển khai từ tháng 1/2011. Qua thực hiện, đề án đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ tự tạo việc làm và giải quyết việc làm tăng cao, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên 2 Lạng Sơn thực hành nghề mộc |
Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) cho biết: Trong những năm qua, ngành LĐTB&XH luôn thực hiện đạt và vượt 3 chỉ tiêu chính theo nghị quyết HĐND tỉnh, đó là: chỉ tiêu giảm nghèo bền vững 3%/năm; chỉ tiêu về đào tạo nghề tăng 2%/năm và chỉ tiêu 12.500 lao động có việc/năm. Riêng năm 2016, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào nghề được 8.580 người, đạt 100,9% kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,5%, tăng 2,1%. Số lao động nông thôn học nhóm nghề phi nông nghiệp đạt trên 70%, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 80%, chủ yếu tự tạo việc làm.
Do lựa chọn nghề phù hợp nên công tác đào tạo nghề đã đáp ứng được cho hầu hết số học viên sau khi kết thúc khóa học. Một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc… đã dần ổn định đi vào hoạt động và tuyển sinh vượt chỉ tiêu đào tạo nghề. Hiện Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn đang duy trì 1.323 học sinh tham gia học nghề. Một số ngành, nghề đào tạo đã mang lại hiệu quả cao, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn như: lớp kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây quýt, trồng và chăm sóc cây na, trồng rau an toàn… Một số nghề sau khi học đã giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, hiểu biết thêm được thông tin thị trường, phát triển ổn định kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo.
Ông Đinh Quang Chí, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB&XH cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyển sinh học sinh về học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ cấu đào tạo nghề của tỉnh hiện nay chưa hợp lý, chủ yếu đào tạo nhóm nghề nông nghiệp, thiếu nhóm nghề phi nông nghiệp như: dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghiệp vụ du lịch, xây dựng dân dụng, hàn, điện nước, mộc…
Để nâng cao công tác đào tạo nghề năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành LĐTB&XH cần có các giải pháp tốt hơn, tích cực hơn; trong đó, công tác giáo dục nghề nghiệp hơn lúc nào hết phải được các cấp, ngành quan tâm vào cuộc. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt liên kết đào tạo và đào tạo có địa chỉ; tránh đào tạo theo kiểu “xô bồ” mà người lao động không dự báo được việc làm sau đào tạo; xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và phân luồng, lựa chọn công tác đào tạo. Các cơ sở dạy nghề cần phải chủ động liên kết với các doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.
Đối với tỉnh ta, đào tạo nhóm nghề phi nông nghiệp đang có những cơ hội thuận lợi, bởi các khu du lịch, dịch vụ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng. Hiện nay, tỉnh đã khởi công dự án Khu du lịch Núi tuyết Mẫu Sơn; các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư đã đặt hàng hợp tác đào tạo. Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở LĐTB&XH thẩm định việc đào tạo 400 đến 500 lao động, đáp ứng nhu cầu phục vụ Khu du lịch Núi tuyết Mẫu Sơn sau này. Đây là hướng mở cho đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Với những giải pháp cụ thể, hy vọng rằng năm 2017 ngành LĐTB&XH sẽ hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho 8.500 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47,5%, hướng tập trung đào tạo nghề tại các xã điểm đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đặc biệt khó khăn.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()