Nâng cấp, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến miến dong: Ý tưởng phát triển nghề truyền thống
– Do sản xuất thủ công nên việc sản xuất miến dong ở xã Tràng Phái, huyện Văn Quan còn qua nhiều công đoạn, cần nhiều thời gian và nhân lực, sản phẩm miến dong chưa tận dụng hết lượng tinh bột trong củ dong riềng… Từ thực tế đó, một ý tưởng khởi nghiệp để giải quyết những vấn đề này đã được xây dựng.
Xã Tràng Phái hiện có 75 hộ trồng cây dong riềng với tổng diện tích 10,5 ha/vụ/năm, có 1 cơ sở chế biến miến dong của ông Đàm Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã. Trung bình 1 ngày, xưởng sử dụng 10 tấn củ dong riềng để làm ra từ 400 đến 500 kg sản phẩm miến khô. Hiện tại, xưởng sản xuất tạo việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động địa phương với thu nhập từ 250.000 đến 400.000 đồng/người/ngày.
Người dân xã Tràng Phái, Văn Quan phơi miến
Quy trình sản xuất miến dong của gia đình ông Phúc hiện nay trải qua các khâu gồm: rửa lọc và ngâm bột dong, nấu chín bột, ép tạo sợi, phơi khô, đóng gói sản phẩm… Hầu hết các công đoạn này đều tiến hành thủ công nên còn nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; máy chế biến tinh bột còn tiêu phí nhiều nước sạch và tỷ lệ tinh bột thu được mới đạt từ 12 đến 15% trọng lượng củ; phương pháp tráng bột thủ công chỉ làm được 1 loại miến; quy trình phơi miến phải thực hiện làm 2 lần nên mất nhiều công sức và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi của thời tiết. Việc sản xuất miến mới chỉ triển khai được 1 vụ (từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 1 năm sau), thời gian còn lại hầu như không hoạt động do thiếu nguyên liệu cũng như cơ sở vật chất để tích trữ nguyên liệu… Từ thực tế này, năm 2021, ông Đàm Văn Phúc đã xây dựng ý tưởng hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất, chế biến miến dong.
Ông Phúc cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất, tôi đã nghiên cứu, tham khảo nhiều nơi và lập dự toán, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Theo ý tưởng của tôi thì cần có số vốn khoảng 2,8 tỷ đồng. Nếu có vốn đầu tư, tôi sẽ triển khai thực hiện ý tưởng trong 3 năm. Năm đầu tiên cần đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến và đầu tư các loại máy: khuấy tách bột tốc độ cao, ép miến, đóng gói sản phẩm và xây dựng bể lưu trữ, xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn hướng dẫn nông dân, công nhân chế biến… 2 năm sau sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất, nhà xưởng chế biến, cải tạo đất, đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng dong riềng…
Theo ý tưởng khởi nghiệp của ông Phúc, khi dây chuyền chế biến, sản xuất miến dong được hoàn thiện đưa vào vận hành thì xưởng sản xuất có thể hoạt động quanh năm với công suất từ 10 đến 15 tấn củ, cho ra khoảng 800 kg miến khô/ngày. Cùng đó, quy trình sản xuất mới sẽ thu được 17% tinh bột từ củ dong. Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho xưởng sản xuất thì cần phát triển thêm 10 đến 20 ha vùng trồng cây dong riềng (giúp người dân có thể thu được hơn 200 triệu đồng lợi nhuận/ha trồng cây dong riềng), tiếp tục tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.
Ông Lưu Bá Mạc, Tổng thư ký Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất, chế biến miến dong sẽ giúp lưu giữ và phát triển nghề làm miến truyền thống của xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, đồng thời, mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân trong khu vực. Với ý nghĩa đó, ý tưởng nâng cấp, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến miến dong xã Tràng Phái đã đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021.
Năm 2020, sản phẩm miến dong Tràng Phái của gia đình ông Đàm Văn Phúc được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao. Nếu ý tưởng trên đây được hiện thực hóa thì việc sản xuất miến dong ở Tràng Phái không chỉ giúp nông dân ở xã mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm thường xuyên mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm miến dong Tràng Phái. Tin rằng, tác giả sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ để triển khai ý tưởng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()