Nâng cao ý thức và văn hóa trong kinh doanh
LSO-Nói thách giá “trên trời” một số loại hàng hóa là tình trạng đang xảy ra trong thời gian qua tại các chợ như: Đông Kinh, chợ Đêm Kỳ Lừa và các chợ tại cửa khẩu Tân Thanh. Điều này vô hình chung, các tiểu thương đang tự đánh mất thị phần, làm khách hàng ngày một rời xa.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc kê khai giá trên địa bàn huyện Văn Lãng |
Những tháng cuối năm, các khu chợ: Đông Kinh, Kỳ Lừa, Tân Thanh… luôn tấp nập khách thập phương đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, thời gian này, khi đến mua sắm tại các chợ, khách hàng bắt đầu có tâm lý đề phòng bị nói thách giá các sản phẩm hàng hóa khi mua.
Anh Lê Bình Nguyên, du khách đến từ xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vừa mua xong chiếc áo gió tại ki ốt tầng 3 chợ Đông Kinh, anh chia sẻ: “Cũng chiếc áo này, tôi xem tại 3 ki ốt khác nhau, thì người bán đưa ra 3 giá bán khác nhau; có ki ốt “hét giá” đến 1,3 triệu đồng, nhưng tôi đã mặc cả và mua được với giá 400 nghìn đồng, giảm xuống còn 1/3 so với giá ban đầu mà vợ tôi đi cùng còn bảo vẫn bị hớ”.
Chuyện nói thách giá “trên trời” của tiểu thương không chỉ đối với khách du lịch mà ngay cả với người dân nội tỉnh. Thời gian này, câu chuyện nói thách giá các sản phẩm hàng hóa như trở thành “thói quen” của người bán hàng. Việc loạn giá bán tại các chợ như hiện nay khiến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh e ngại. Chính điều này khiến cho chính tiểu thương dần tự đánh mất thị phần. Nhất là hiện nay đất nước đã hội nhập kinh tế thế giới, các mặt hàng ngoại, có thương hiệu đang tràn vào thị trường. Chỉ riêng hàng Thái Lan đã có hơn 10 đại lý trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có ảnh hưởng tích cực đến người tiêu dùng, nên tâm lý tiêu dùng hàng Việt đã dần thay thế các sản phẩm hàng ngoại không rõ thương hiệu, đặc biệt là hàng hóa có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm 2016 đến hết tháng 10/2016, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra gần 16 nghìn lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa. Trong đó, kiểm tra 1.537 vụ về giá hàng hóa, đã phát hiện 329 trường hợp vi phạm và xử phạt hành chính hơn 70 triệu đồng. Đồng thời vận động 1.200 tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc kinh doanh theo quy định. Thực tế, định kỳ và cả đột xuất, lực lượng quản lý thị trường cùng các ngành liên quan đều tổ chức các đợt kiểm tra về niêm yết giá. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe các tiểu thương.
Mới đây, để tăng tính răn đe và hạn chế việc vi phạm về giá, hóa đơn của tiểu thương, ngày 27/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2016/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016) thay thế Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Nghị định 49 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109 theo hướng nâng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, như: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng với các hình thức vi phạm về đăng ký, kê khai giá… Chi cục đã có văn bản chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Với mức xử phạt nặng và việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm về giá mong rằng hiện tượng nói thách sẽ được khắc phục, hàng hóa được niêm yết và bán đúng giá, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()