Nâng cao ý thức sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm
LSO-Hàng năm, cứ vào quý I, thường vẫn hay xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Năm nay cũng không ngoại lệ, thậm chí còn trầm trọng hơn mọi năm, đặc biệt là trên địa bàn thành phố khiến nhiều khách hàng lao đao.
LSO-Hàng năm, cứ vào quý I, thường vẫn hay xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Năm nay cũng không ngoại lệ, thậm chí còn trầm trọng hơn mọi năm, đặc biệt là trên địa bàn thành phố khiến nhiều khách hàng lao đao.
Trạm xử lý nước mặt sông Kỳ Cùng tại trụ sở Công ty CP CTN Lạng Sơn |
Trao đổi với chúng tôi, Ông Nguyễn Hữu Chung, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Đúng là hiện nay đang xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân chủ yếu là do đang vào cuối mùa khô, mực nước tại các nguồn khai thác giảm trầm trọng, lưu lượng trung bình chỉ bằng 50%- 75% so với bình thường và so với cùng kỳ. Ông Chung cho chúng tôi vài số liệu thống kê: Hiện công ty đang cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 30 nghìn khách hàng tại 9/11 huyện, thành phố với khoảng 50 trạm bơm có tổng công suất 30 nghìn m3/ngày đêm. Trong đó, riêng khu vực thành phố Lạng Sơn có trên 20 nghìn khách hàng với 13 trạm bơm, công suất 18 nghìn m3/ngày đêm. Do nguồn nước cung cấp cho các khách hàng được khai thác chủ yếu từ các giếng ngầm (11/13 trạm) và một phần nhỏ là nước mặt tại các hồ đập nên không chủ động được nguồn cung, nước thường thiếu hụt vào mùa khô. Mọi năm, thiếu nước chỉ diễn ra trong thời gian ngắn với lượng nước thiếu cũng không nhiều, tuy nhiên, năm 2013, do trời không mưa kéo dài, thời tiết khô nóng đã dẫn đến tình trạng thiếu nước đã diễn ra đầu quý I và đặc biệt gay gắt ngay từ hơn 1 tháng trở lại đây đã khiến cho nhiều khách hàng phải lao đao. Với mức tăng trưởng bình quân khoảng 10- 12%/năm, trong khi nguồn cung mới không phát triển thêm thì việc thiếu nước sạch sinh hoạt ngày càng trầm trọng hơn là điều đã được dự báo từ nhiều năm trước, mặc dù hiện nay, công ty đã khai thác tối đa công suất các nguồn nước ngầm, nước mặt nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, hiện nay công ty đã phải thực hiện giải pháp cấp nước luân phiên tại một số khu vực như: Mai Thành (Mai Pha), khu Phai Luông, khối Trần Quang Khải (phường Chi Lăng), xã Quảng Lạc, khu Mỹ Sơn- Núi Đầu, xã Hoàng Đồng… Trong tháng 3/2013, công ty đã có văn bản thông báo đến một số ngành chức năng liên quan và thực hiện một số biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo về sử dụng nước tiết kiệm qua một số phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, việc thiếu nước còn ảnh hưởng đến chất lượng nước do hiện tượng “sập giếng” hoặc do thay đổi áp suất bơm dẫn đến hiện tượng nước bị vẩn đục…Theo ông Chung, hiện nay, muốn cung cấp nước sạch sinh hoạt ổn định cho khách hàng cần phải xây dựng được nhà máy xử lý nước mặt tại sông Kỳ Cùng, nơi có lưu lượng nước đáp ứng được tối đa công suất khai thác (khoảng 30 nghìn m3/ngày đêm). Hơn nữa, hiện nay nước chủ yếu được khai thác từ các giếng ngầm, được xử lý sơ qua bằng nước Ja ven rồi bơm thẳng trực tiếp vào mạng cấp cho khách hàng nên đôi khi không đảm bảo chất lượng nếu xảy ra hiện tượng “sụt giếng” hoặc áp suất bơm thay đổi đột ngột.
Chuẩn bị ống dẫn nước để thực hiện hoà mạng vào cuối tháng 4/ 2013 |
Vì vậy, muốn đảm bảo chất lượng nước, cần xây dựng được trung tâm xử lý nước để tập trung các nguồn nước đã khai thác về một mối, sau đó mới tiến hành xử lý theo đúng quy trình và thực hiện phân phối nước qua mạng. Trước thực trạng trên, với chức năng nhiệm vụ của mình và để đáp ứng phần nào nhu cầu nước sạch sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đang bức thiết của khách hàng, công ty đã tự bỏ vốn khoảng 30 tỉ đồng để xây dựng tạm thời 2 trạm xử lý nước mặt với tổng công suất khoảng 10 nghìn m3/ngày đêm tại trạm bơm thuộc xã Mai Pha và tại ngay trụ sở công ty. Ngoài ra, công ty cũng đã lắp đặt thêm khoảng 2km đường ống các loại để hòa mạng. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 4/2013 mới có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Chung cho biết.
Khi bài viết này hoàn thành, ở Lạng Sơn đã xuất hiện vài cơn mưa nhỏ. Tuy nhiên, “lượng mưa nói trên chỉ đủ thấm lớp đất trên bề mặt đất, chưa có tác dụng cải thiện lưu lượng nước ngầm có độ sâu trung bình 50- 70m. Vì vậy, công ty rất mong khách hàng chia sẻ với những khó khăn của ngành nước và nâng cao ý thức trách nhiệm, có kế hoạch sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm”. Ông Chung khuyến cáo. |
HOÀNG HUY
Ý kiến ()