Nâng cao ý thức phòng tránh xâm hại cho trẻ ngay từ bậc học mầm non
(LSO) – Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức về công tác phòng tránh xâm hại cho trẻ, đặc biệt là các em ở lứa tuổi mầm non, thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã tích cực giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ vào chương trình học.
Theo thống kê được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, năm 2018, cả nước có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em.
Ở Lạng Sơn, mặc dù không phải địa bàn có nhiều vụ việc nổi cộm, song thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và thực hiện công văn số 502, ngày 7/6/2017 của UBND tỉnh về tăng cường, triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị giáo dục, đặc biệt là cấp mầm non về thực hiện tốt việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong nhà trường, bởi ở độ tuổi này, các em dễ bị xâm hại nhất.
Giáo viên Trường Mầm non Bắc Xa, huyện Đình Lập trong giờ học kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ
Cô Triệu Minh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Do đặc thù học sinh mầm non có nhiều cháu hiếu động, nên ngoài việc nhắc nhở, khuyên bảo học sinh thì nhà trường còn thường xuyên quán triệt, tuyên truyền tới đội ngũ giáo viên, nhân viên tuyệt đối không có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ. Nhà trường cũng tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nghề nghiệp; khuyến khích giáo viên thường xuyên trò chuyện, phát hiện tâm lý bất thường của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao lành mạnh, bổ ích cho trẻ, nhằm tạo mối đoàn kết, nâng cao nhận thức về xã hội của trẻ.
Hay như ở Trường Mầm non xã Khánh Khê, huyện Văn Quan, cô Lã Hương Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là một trường học nằm ở khu vực tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức về các hành vi xâm hại trẻ còn hạn chế. Bởi vậy, hằng ngày, ngoài việc chăm sóc, giáo dục các cháu, các giáo viên còn phải đóng vai trò như những người cha, người mẹ để dạy các em những kiến thức về giới; dạy bảo các cháu những bộ phận không để người khác có thể động chạm đến kể cả bố, mẹ nếu như chưa có sự đồng ý của con… như vậy sẽ giúp hình thành kỹ năng phòng vệ cho các cháu.
Trong công tác giảng dạy, các giáo viên đã chú trọng giới thiệu những kỹ năng cho trẻ phù hợp theo từng lứa tuổi như: kỹ năng nhận diện nguy cơ, xử lý tình huống, kỹ năng từ chối… từ lúc các em mới chỉ 2 – 3 tuổi. Đối với các cháu lớp 4 – 5 tuổi, các cô đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình học để các cháu có những hiểu biết ban đầu về giới tính; khuyến cáo các cháu không được tiếp xúc hoặc lấy đồ vật từ người lạ. Đồng thời, hướng dẫn các cháu cách nhận biết và kỹ năng ứng phó với nguy cơ bị bạo hành, xâm hại.
Chị Lộc Thu Phương, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Là phụ huynh có con nhỏ và đang theo học tại Trường Mầm non Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tôi cho rằng việc nhà trường thực hiện công tác giáo dục giới tính, dạy kỹ năng nhận diện tình huống và kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ là rất hữu ích và cần thiết. Bởi khi các cháu đã nhận biết được những dấu hiệu đó thì sẽ có phản ứng hiệu quả và tránh những điều xấu có thể xảy ra với con, em mình”.
Thực tế từ nhiều vụ việc xâm hại trẻ em diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước thời gian qua cho thấy, giáo dục phòng chống xâm hại cho trẻ phải bắt đầu từ lứa tuổi mầm non. Bà Vi Thị Giao, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Không bao giờ là quá sớm để dạy con trẻ cách bảo vệ bản thân và sự an toàn thân thể, phòng chống xâm hại, chính vì thế, ngành GD&ĐT tỉnh đã quan tâm, chủ động đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng trường học an toàn, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa và lồng ghép vào nội dung dạy học; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh bị bạo lực, xâm hại; thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý, đảm bảo an toàn cho học sinh. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()