Nâng cao ý thức người tham gia giao thông
Ý thức và trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu đối với mỗi người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn nhiều người tham gia giao thông do thiếu kiến thức và ý thức liên quan đến các yếu tố bảo đảm an toàn, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra do người lái bất cẩn khi mở cửa xe ô-tô tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: THÀNH AN) |
Khoảng 15 giờ ngày 6/5/2023, một chiếc xe ta-xi đỗ ở phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) để trả khách. Xe này đỗ một nửa trên vỉa hè, phần còn lại vẫn nằm dưới lòng đường. Sau đó, nam lái xe mở cửa ghế lái (phía giáp mặt đường) thì một xe máy chở theo hai người lao tới, đâm vào cửa xe. Hai người trên xe máy ngã ra đường.
Lúc này một ô-tô khác đi hướng ngược lại đâm trúng khiến người cầm lái xe máy là nam giới bị thương, còn người phụ nữ phía sau bị bánh ô-tô chèn qua và tử vong sau đó. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lái xe thiếu quan sát trong khi mở cửa xe đã khiến người điều khiển xe máy không kịp xử lý dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Đây không chỉ là trường hợp cá biệt, trước đó đã xảy ra nhiều vụ việc tương tự dẫn tới tai nạn giao thông nghiêm trọng, thậm chí nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự.
Ngày 9/11/2022, Tòa án nhân dân thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) mở phiên tòa xét xử đối với hai bị cáo Phạm Hồng Thi (42 tuổi, ngụ Phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và Chung Quốc Cường (40 tuổi, ngụ phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cùng về tội “Vô ý gây chết người”. Theo cáo trạng, vào khoảng 20 giờ 20 phút ngày 31/3/2022, bị cáo Thi điều khiển xe ô-tô biển số 66A-04602 lưu thông trên đường Trần Phú, phía sau có chở bị cáo Cường cùng vợ và 2 con.
Khi đến trước hộ số 167, Khóm 5, Phường 1, thành phố Sa Đéc, Thi dừng xe cho vợ bị cáo Cường xuống mua đồ nhưng không mở tín hiệu đèn báo. Khoảng 15 phút sau, Cường mở cửa xe bên trái định xuống xe đi tìm vợ nhưng không quan sát đã để cửa xe va chạm với xe mô-tô do chị T.N.Y.P điều khiển chở phía sau là bà N.T.K.H và cháu trai đang chạy cùng chiều. Vụ va chạm làm bà H bị đa chấn thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu và qua đời sau đó. Hội đồng xét xử tuyên phạt Phạm Hồng Thi ba năm tù nhưng được hưởng án treo, bị cáo Chung Quốc Cường hai năm cải tạo không giam giữ cùng về tội “Vô ý gây chết người”.
Không chỉ thiếu ý thức trong việc dừng đỗ và mở cửa phương tiện dẫn đến các vụ tai nạn, mà thời gian qua nhiều vụ việc người điều khiển ô-tô còn cố tình mở cửa ô-tô khi đang lưu thông để phục vụ những nhu cầu riêng bất chấp nguy cơ xảy ra tai nạn cho người đi đường. Ngày 13/5/2023, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa lập biên bản xử lý đối với bà N.T.H (sinh năm 1989, trú tại huyện Hà Trung, Thanh Hóa).
Cơ quan chức năng xác định, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 12/5/2023 tại Km293 Quốc lộ 1A, bà N.T.H điều khiển ô-tô chở theo một tấm pano. Vì tấm pano quá lớn, bà H đã mở cửa lên xuống phía sau, bên phải ô-tô để vận chuyển. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa đã lập biên bản xử phạt nữ lái xe với các lỗi: Không đóng cửa lên xuống xe khi đang chạy, chở hàng quá kích thước bao ngoài của xe.
Đồng thời, chủ phương tiện là một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cũng bị xử phạt lỗi để cho người làm công, người điều khiển phương tiện vi phạm. Tổng mức phạt với lái xe và chủ phương tiện là 7,4 triệu đồng. Ngoài ra, nữ lái xe bị tước giấy phép lái xe hai tháng.
Chia sẻ về kinh nghiệm khi tham gia giao thông, nhiều người lái xe lâu năm cho rằng, khi tham gia giao thông, lái xe và những người ngồi trên xe phải kiểm soát việc mở cửa, đóng cửa để bảo đảm an toàn. Khi dừng xe, trước khi rời khỏi xe phải quan sát qua gương, hoặc phải quay đầu lại để quan sát có chướng ngại vật, hay người ở đằng sau mình. Khi thấy bảo đảm an toàn, không có ai tiến tới đằng sau thì mới mở cửa để rời xe. Người ngồi trên xe ô-tô chỉ được mở cửa khi xe đã dừng hẳn và bảo đảm các yếu tố an toàn. Khi muốn mở cửa xe, phải quan sát kỹ người đi đường trước khi xuống xe, bởi chỉ một vài phút lơ là, rất có thể sẽ khiến tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Từ góc độ pháp lý, các chuyên gia về pháp luật cho rằng, việc phải bảo đảm các yếu tố an toàn trước khi mở cửa xe là quy định bắt buộc đối với người ngồi trên xe ô-tô đã được nêu trong Luật Giao thông đường bộ.
Theo điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 18 Chương II Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Cùng với các quy định về an toàn, các quy định của pháp luật cũng đưa ra chế tài xử lý những hành vi vi phạm. Cụ thể, tại điểm g khoản 2 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mở cửa xe như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn.
Bên cạnh phạt tiền, người mở cửa xe không bảo đảm an toàn, gây tai nạn cho người khác còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Trường hợp lái xe, người ngồi trên ô-tô mở cửa xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn mà dẫn tới tai nạn nghiêm trọng như làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với các quy định của pháp luật, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện cả với người điều khiển cũng như người ngồi trên xe ô-tô. Các trung tâm đào tạo lái xe cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục những kỹ năng bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện cho các học viên ngay trong quá trình dạy và học. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp dừng, đỗ xe không đúng quy định, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhất là những khu vực đông người, lưu lượng người tham gia giao thông lớn.
Ý kiến ()