Thứ 6, 27/12/2024 18:01 [(GMT +7)]
Nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước
Thứ 3, 20/03/2012 | 08:27:00 [(GMT +7)] A A
Với chủ đề “Nước và an ninh lương thực”, ngày nước thế giới năm 2012, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch với các hoạt động cụ thể để hưởng ứng ngày này (22/3). Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung và trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực nói riêng.
LSO-Nước là nguồn tài nguyên quý, tuy nhiên trong những năm qua, phần lớn người dân và các tổ chức chưa nhận thức được trách nhiệm bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên này. Theo kết quả điều tra, Lạng Sơn được đánh giá là một tỉnh nghèo nước nhất so với các tỉnh trong khu vực miền núi Trung du Bắc Bộ. Nguy cơ thiếu nước, nhất là nước sạch là vấn đề được quan tâm. Vì vậy, việc nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước một cách bền vững là hết sức cần thiết.
ĐVTN trên địa bàn tỉnh ra quân tuyên truyền bảo vệ tài nguyên môi trường
Ông Lương Văn Nhất, trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT) cho biết: Lạng Sơn có 3 hệ thống sông chính chảy qua và một số suối nhỏ khác. Tổng lượng dòng chảy trung bình toàn tỉnh khoảng 5,97 tỷ m3/năm; lượng mưa trung bình năm dao động từ 1.100- 1.500 mm và phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian trên toàn vùng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 39 đơn vị đang hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, với tổng lượng khai thác là trên 150 triệu m3 (năm 2011). Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn chủ yếu dưới 4 loại hình là: khai thác sử dụng nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; khai thác sử dụng nước cấp cho sinh hoạt đô thị; khai thác sử dụng nước cấp cho sinh hoạt nông thôn tập trung; khai thác sử dụng nước nhỏ lẻ hộ gia đình cá nhân.
Trên thực tế, việc quy hoạch khai thác và sử dụng nước phần lớn là do từng đơn vị thực hiện, chưa quan tâm tới việc đảm bảo nhu cầu nước cho môi trường; một số cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn cố tình vi phạm việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, người dân tự tiện đổ rác xuống sông, suối… Mặt khác, nếu xét riêng từng vùng và theo từng tháng trong năm thì một số tháng trong mùa khô xảy ra tình trạng thiếu nước. mức bảo đảm chỉ đạt 60-70%. Tình trạng chặt phá rừng bừa bãi; lấn chiếm bờ hồ, bờ sông không có quy hoạch làm giảm khả năng tự làm sạch của dòng chảy mặt. Việc khai thác khoáng sản và các hoạt động khác ở ven sông không hợp lý, thiếu quy hoạch cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước… Như vậy, tài nguyên nước đang gánh chịu nguy cơ suy giảm cả về chất và lượng. Do vậy, không có gì bất ngờ khi chất lượng nước mặt tại khu vực nội thị thành phố hiện đang bị ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng nặng. Một số dòng suối (suối Lao Ly, Ngọc Tuyền- thành phố Lạng Sơn) đã xuất hiện hiện tượng nước chuyển thành màu đen, phát sinh mùi hôi, tanh, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và sức khỏe người dân. Nếu diễn biến chất lượng nguồn nước mặt như vậy thì hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất còn đáng lo ngại hơn. Tình trạng hành nghề khoan, khai thác nước dưới đất tùy tiện đã làm hạ thấp mực nước ngầm quá mức dẫn đến ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, có nguy cơ gây sụt lún mặt đất, ảnh dưởng đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Việc phát sinh số lượng giếng hư hỏng không sử dụng gia tăng, không được trám lấp, trám lấp không đúng quy trình kỹ thuật, dẫn đến giảm số lượng, chất lượng nước dưới đất. Từ thực tế trên, theo lãnh đạo Sở TN&MT, dự báo nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cùng với sự phát triển của xã hội, do đó nếu sử dụng tùy tiện thì khả năng đáp ứng nguồn nước cũng thấp đi.
Vì vậy, để bảo vệ tài nguyên nước, các cơ quan chức năng, cần có nhiều hoạt động tuyên truyền chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ tài nguyên nước, đưa ra nhiều biện pháp nhằm kêu gọi tất cả các thành viên trong xã hội nâng cao ý thức, cùng hành động tích cực bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Theo đó, Nhà nước và nhân dân cùng nêu cao trách nhiệm. Trách nhiệm của Nhà nước và chính quyền địa phương là xây dựng, phổ biến các văn bản luật, nghị định, quy định về sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; hướng dẫn các hình thức khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước đúng kỹ thuật; điều tra, khảo sát đánh giá nguồn tài nguyên và lập quy hoạch, kế hoạch phân vùng khai thác hợp lý; tuyên truyền vận động và tổ chức nhiều cuộc thi về ý thức sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước. Còn người dân thì cần nêu cao ý thức sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước; tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên nước và môi trường.
Với chủ đề “Nước và an ninh lương thực”, ngày nước thế giới năm 2012, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch với các hoạt động cụ thể để hưởng ứng ngày này (22/3). Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội nói chung và trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực nói riêng.
Trung Xuân
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()