Nâng cao vị thế trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng
Sáng 24/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Báo cáo kết quả công tác năm 2018, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, Học viện đã đổi mới nội dung chương trình và tăng cường kỷ cương, kỷ luật học đường.
Nội dung các chương trình đào tạo đổi mới theo tinh thần bám sát Văn kiện Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII, được cập nhật thường xuyên các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, có ý nghĩa đối với sự phát triển đất nước.
Trong năm 2018, toàn hệ thống Học viện đã tổ chức 63 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung; 80 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung; 15 lớp hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị; 37 lớp bồi dưỡng chức danh công tác xây dựng Đảng; 2 lớp Bí thư cấp ủy cấp huyện; 2 lớp phó bí thư cấp ủy cấp huyện; 52 lớp bồi dưỡng nguồn quy hoạch cho các cấp ủy, địa phương; 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Đặc biệt, Học viện đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thành công một lớp bồi dưỡng dành cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và hai lớp dành cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Học viện tăng cường công tác quản lý gắn với hoàn thiện chế độ, chính sách đối với giảng viên; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tương tác, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học…
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu định hướng.
Với công tác nâng cao chất lượng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được triển khai đồng bộ trên 732 nhiệm vụ khoa học; trong đó đáng chú ý là Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin-cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới.”
Học viện đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học với các ban bộ, ngành, địa phương và các đối tác quốc tế. Từ đó góp phần đa dạng hóa các hoạt động nghiên cứu, tiếp thu thành tựu nâng cao chất lượng quốc tế.
Song song đó, Học viện tập trung thực hiện công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với chủ trương giảm cấp trung gian, cấp phòng, ban, không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ.
Đến nay, Học viện đã sắp xếp 9 đơn vị trực thuộc (giải thể, hợp nhất 3 đơn vị cấp vụ, sáp nhập 6 đơn vị dưới cấp vụ trực thuộc Giám đốc Học viện).
Tại Trung tâm Học viện, số lượng phòng, ban đã giảm từ 134 đơn vị xuống 16 đơn vị; tại các Học viện trực thuộc, số lượng khoa, ban, phòng giảm từ 123 đơn vị xuống còn 112 đơn vị.
Đến nay, tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc Học viện đã hoạt động ổn định theo mô hình mới, từng bước xác định về vị trí, việc làm của từng cá nhân.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, với khẩu hiệu hành động “Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Hiệu quả,” Học viện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, hiệu quả các mặt công tác; thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949- 2019); triển khai xây dựng chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn 2045; đổi mới nội dung các chương trình các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, sát hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo.
Học viện tập trung tổ chức các lớp bồi dưỡng dành cho các đồng chí quy hoạch cấp chiến lược, phục vụ Đại hội XIII của Đảng; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025…
Tại Hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu nhất trí với báo cáo tổng kết công tác năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Học viện.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo tổng kết năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
Các đại biểu cho rằng, năm 2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc cần chú ý hơn đến đặc thù vùng, miền trong nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị ngày càng sâu sắc.
Cùng với đó, đề xuất Đảng và Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho Học viện và các đơn vị trực thuộc; chỉ đạo thống nhất về chương trình lý luận chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới…
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả và thành tích nổi bật của Học viện đã đạt được trong năm qua.
Cơ bản tán thành với những nội dung trong Báo cáo, đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh những thành tích nổi bật, Học viện cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề bất cập, hạn chế còn tồn tại để khắc phục trong thời gian tới.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị Học viện cần tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế của Học viện với tư cách là trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng.
Cùng với đó, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng bám sát vào hai trọng tâm, 5 đột phá của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng theo các chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị.
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận; bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, chính sách, pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ của Học viện và các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm Quyết định số 145-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Quy định số 09-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Phạm Minh Chính nhận định, đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Học viện, các cán bộ, công chức, viên chức Học viện cần hết sức chú trọng và gương mẫu chăm lo công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ Học viện thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, giảng viên có tính Đảng cao, có phẩm chất đạo đức và lối sống gương mẫu, chuyên sâu lý luận…
Học viện tập trung khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ giảng viên, nghiên cứu khoa học đầu đàn; xây dựng cơ chế đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Học viện cần chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật để xứng tầm là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý./.
Ý kiến ()