Nâng cao vị thế doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trên thị trường toàn cầu
Chiều ngày 6/8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ (RISME) đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao vị thế doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trên thị trường toàn cầu: Cách thức và định hướng phát triển”.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P) |
Ngoài sự tham gia của các diễn giả đến từ Việt Nam, Hội thảo còn có sự tham gia của ông Sunil D Sharma, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thế giới (ISSME).
Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Thế Hưng, Viện trưởng RISME nhận định, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 1995, đã cùng với nhiều nước trên thế giới ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và thực tế đã tham gia vào hầu hết kênh hội nhập. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Ông cho biết Hội thảo sẽ là diễn đàn hiệu quả để trao đổi thông tin và quan điểm về các thách thức cũng như cơ hội và những vấn đề mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải đối mặt. Qua đó, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong môi trường cạnh tranh ngày nay. Tạo môi trường thuận lợi cho vận động chính sách. Đồng thời tạo thuận lợi trong việc chuẩn bị một chương trình làm việc dài hạn cho các DNNVV là một phần quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt, đảm bảo môi trường thương mại công bằng thông qua chủ trương triển khai thực hiện có hiệu quả các quy tắc thương mại hiện có để đảm bảo những lợi ích của thương mại tự do cho các nhà sản xuất nhỏ và vừa ở Việt Nam không bị thiệt thòi.
Tại Hội thảo, ông Sunil D Sharma, Tổng thư ký ISSME cho biết, để có một tác động đáng kể đến nền kinh tế quốc gia, các doanh nghiệp cần phải phát triển lớn hơn, có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nên có nhiều công ăn việc làm, đa dạng về dịch vụ và mở rộng thị trường để tăng thu nhập của họ. Đổi mới là động lực quan trọng nhất của sự phát triển của doanh nghiệp, bởi vì nó có thể dẫn đến các sản phẩm và dịch vụ mới một cách hiệu quả hơn là việc cung cấp những cái hiện có, thông qua việc giới thiệu các công nghệ mới, bí quyết, bổ sung nhân viên với những kỹ năng mới và tiếp cận mới.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, kể từ khi “đổi mới” số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, quy mô được mở rộng, kinh nghiệm thương trường đã bắt đầu được “bồi đắp”, nhiều doanh nghiệp đã ăn nên làm ra, có thương hiệu gây được ấn tượng tốt trong lòng người tiêu dùng trên thị trường nội địa và thế giới. Tuy nhiên, theo con số thống kê còn có 80% doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV. Ông nhận định, để có thể hội nhập nền kinh tế thế giới đòi hỏi tầm nhìn của những doanh nghiệp này không thể bó hẹp trong huyện, trong tỉnh, trong phạm vi nước Việt Nam mà cần mở rộng hơn. Khi đó, sản phẩm phải phục vụ được nhu cầu của nhiều đối tượng trên phạm vi rộng lớn của cả khu vực và toàn cầu. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực của các doanh nghiệp phải được đào tạo, thử sức, có sự trợ giúp của Nhà nước cũng như các Hiệp hội.
Tại Hội thảo, nhiều diễn giả cũng đồng tình với nhận định trên và cho rằng, muốn tiếp cận được thị trường toàn cầu thì trước hết doanh nghiệp phải tiếp cận được công nghệ hiện đại để có được sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, hệ thống phân phối chuẩn mực, thích hợp với từng khu vực thị trường… Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này lại cần phải có kiến thức bài bản, có thông tin kịp thời, có tư vấn chính xác, có tiền vốn cũng như nguồn nhân lực tương thích. Đây chính là những điểm yếu nhất của DNNVV Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này theo các chuyên gia cần phải có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, sự hỗ trợ giúp đỡ từ nhiều phía và cũng đòi hỏi sự vươn lên của chính doanh nghiệp.
PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, nguyên tắc “tự do hóa”, “không phân biệt đối xử” mở ra khả năng cho mọi doanh nghiệp đi ra với thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, ở đó lại ẩn chứa nhiều “cạm bẫy”, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại đang được dựng lên một cách dày đặc. Các DNNVV Việt Nam thường thiếu hiểu biết về thị trường, thiếu thông tin chuẩn xác, không đủ nguồn lực để ứng phó với những rủi ro này. Đây là một thách thức rất lớn và chỉ có thể giảm thiểu được thiệt hại thông qua đào tạo, cung cấp thông tin và sự trợ giúp pháp lý…
ISSME là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, có trụ sở tại New Delhi – thủ đô của Ấn Độ. Hiệp hội bao gồm các thành viên, các chi nhánh và các đối tác trên toàn thế giới, hoạt động của ISSME nhằm thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững và toàn diện. ISSME được hệ thống quản lý chất lượng Quốc tế cấp chứng chỉ ISO 9001:2008. ISSME tập hợp các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và chuyên môn của họ trong lĩnh vực Doanh nghiệp vừa và nhỏ. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()