Nâng cao vị thế của Ðại biểu Quốc hội
Việc quy định cụ thể về vị trí, vai trò cũng như những yêu cầu về trách nhiệm đối với đại biểu Quốc hội (QH) trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sẽ giúp tạo hành lang pháp lý phù hợp để đại biểu QH đóng góp tốt hơn vào thành công chung của QH.
Tránh hành chính hóa
Từ thực tiễn cho thấy, đại biểu QH là nhân tố giữ vai trò trung tâm, cấu thành nên QH, và các hoạt động của đại biểu QH sẽ tạo nên kết quả hoạt động chung của QH. Dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi) lần này, đề cập các nội dung về đại biểu QH, đã quy định bao quát các nội dung về số lượng đại biểu QH, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu QH nói chung, cũng như của đại biểu QH hoạt động chuyên trách ở trung ương và địa phương…
Nhiều chuyên gia nghiên cứu lập pháp cho rằng, tương tự nghị sĩ các nước, đại biểu QH nước ta có xuất phát điểm từ nhiều ngành nghề, tầng lớp dân cư khác nhau, kinh nghiệm chủ yếu chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, hoạt động của QH lại mang tầm vĩ mô, liên quan đến mọi lĩnh vực của xã hội. Hơn nữa, phần lớn đại biểu QH hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu còn hạn chế, thậm chí bất cập.
Tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách diễn ra trong tuần, nhiều ý kiến cho rằng, đại biểu QH phải có tư duy phản biện, chính kiến độc lập. Ðiều kiện đó cần được cụ thể hóa, quy định trong dự thảo Luật này trình ra QH tại kỳ họp tới đây. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình về số lượng đại biểu QH chuyên trách hơn 35% như dự thảo Luật nêu, nhưng vấn đề quan trọng hơn nữa là làm sao nâng cao chất lượng đại biểu QH. Liên quan nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị, cần bàn kỹ việc chọn đại biểu đủ năng lực, vì đại biểu QH là trung tâm của QH. “Hiến pháp có quy định chung nhưng không có tiêu chuẩn, dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND cũng chưa nhấn mạnh tiêu chuẩn thể hiện sự đặc thù này”, Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.
Ðề cập vấn đề này, theo đại biểu Ðỗ Văn Ðương (TP Hồ Chí Minh), hiện nay, quy định tiêu chuẩn đại biểu QH giống một công chức hành chính. Ðại biểu yêu cầu dự thảo luật sửa đổi lần này cần làm rõ những tiêu chuẩn của đại biểu, trong đó lưu ý cá nhân “là người rất tận tụy, gắn bó với cử tri, phải thật sự có tư duy phản biện độc lập, tránh bị tác động bên ngoài làm mất tính khách quan trong nghiên cứu pháp luật, tránh lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện giám sát”… Các đại biểu: Ðỗ Văn Ðương, Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số đại biểu khác cho rằng, cần quy định đại biểu QH chuyên trách dành ít nhất một phần ba thời gian làm công tác tiếp dân và tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Như thế, giúp đại biểu QH gần dân hơn, tránh tình trạng “hành chính hóa” trong hoạt động QH.
Cần các cơ chế hỗ trợ
Theo tính toán của các chuyên gia, tính trung bình mỗi năm, một đại biểu QH phải tìm hiểu, nghiên cứu khoảng 25-30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, và rất nhiều báo cáo, đề án khác để đóng góp ý kiến trước khi thông qua tại hội trường. Như vậy, khối lượng thông tin mà đại biểu phải nghiên cứu, xử lý là rất lớn, nhất là trong điều kiện phần lớn các đại biểu QH hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay. Do vậy, nhiều đại biểu QH cho rằng, cần có các kênh giữ vai trò “bộ lọc”, qua đó giúp đại biểu tìm kiếm thông tin chính xác, khách quan, kịp thời. Những thông tin đã được chọn lọc, phân tích, tổng hợp và có chất lượng cao sẽ giúp rút ngắn thời gian thu thập và xử lý thông tin phù hợp nhu cầu của từng đại biểu.
Nhiều người cho rằng, thời gian tới, cần xem xét tiếp tục điều chỉnh chính sách về công tác phí, lương, phụ cấp thỏa đáng, điều kiện sinh hoạt, làm việc… Như vậy sẽ thu hút đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức giỏi từ các bộ, ngành, địa phương về làm đại biểu QH chuyên trách. Ðây là yếu tố căn bản giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng đại biểu QH và chất lượng những văn bản pháp luật QH sẽ ban hành về lâu dài.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng, chất lượng hoạt động của đại biểu QH chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, một phần do số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm là chủ yếu. Như thế, đại biểu khó dành nhiều thời gian tham gia hoạt động của các cơ quan của QH, Ðoàn đại biểu QH. Yêu cầu đối với công tác lập pháp của QH ngày càng đòi hỏi cao, điều đó có nghĩa số lượng các dự án cần được xem xét thông qua tại mỗi kỳ họp QH là rất lớn. Thực tiễn cho thấy, với nhiều dự án luật có tính chuyên ngành cao, phần lớn các đại biểu QH hoạt động kiêm nhiệm khiến cho công việc tại các ủy ban trở nên quá tải.
Ðề cập nội dung này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số đại biểu khác đề nghị số lượng đại biểu chuyên trách cần đạt mức 40% trong tổng số đại biểu, và nên tập trung ở các cơ quan lập pháp. “Nếu tỷ lệ chuyên trách nằm chủ yếu ở khối các cơ quan hành pháp, khi biểu quyết luật sẽ không khách quan, vì hiện nay các dự án luật chủ yếu do các bộ, ngành soạn thảo” – đại biểu Vinh nói.
“Nếu quy định như dự thảo luật thì rất khó phân biệt giữa đại biểu QH với đại biểu HÐND hoặc các cán bộ khác của Ðảng và Nhà nước”. Ðại biểu QH LÊ NAM Phó Trưởng đoàn đại biểu QH Thanh Hóa |
“Luật Tổ chức QH (sửa đổi) lần này phải giải quyết được một vấn đề thực tiễn đặt ra đó là cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, làm cho QH mạnh lên, đúng thực quyền của QH đã được Hiến pháp quy định”. Ðại biểu QH TRƯƠNG VĂN VỞ Phó Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Ðồng Nai |
“Cần tạo điều kiện để các đại biểu QH có vị trí, vị thế độc lập hơn, không phải là về vấn đề kinh tế, mà các phương tiện bảo đảm khác. Qua thực tiễn hoạt động của đại biểu QH, tôi thấy rằng, để làm được đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu QH vừa rất khó, lại vừa rất dễ. Làm thế nào để tăng cường sự đánh giá các đại biểu QH, “lượng hóa” trong việc đề cao trách nhiệm, qua đó đại biểu gắn với cử tri nhiều hơn, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, cần được xem xét nêu cụ thể trong dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi)”… GS, TS TRẦN NGỌC ÐƯỜNG Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()