Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội
Lãnh đạo UBND tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao đổi với đại biểu dân tộc thiểu số. Ảnh: DƯƠNG DUYÊN
– Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn ngày càng nâng cao vai trò, khẳng định vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thách thức, phong trào phụ nữ và công tác hội của tỉnh 5 năm qua (2016 – 2021) đạt được nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; quốc phòng – an ninh của tỉnh.
Một nhiệm kỳ nhiều thắng lợi
Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tiến hành vào thời điểm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 – 4/11/2021).
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, tập hợp các tầng lớp phụ nữ đoàn kết, khắc phục và vượt qua khó khăn, hoàn thành 9/9 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV đề ra, trong đó có 5/9 chỉ tiêu vượt.
Tiêu biểu trong lĩnh vực chính trị, các cấp hội đã chủ động, tích cực trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tích cực tham gia ý kiến xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chủ động tham gia phản biện, góp ý vào các dự thảo chủ trương của Đảng, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; tạo điều kiện cho hội viên phản ánh các ý kiến liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác cán bộ nữ được cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện, đạt chất lượng, hiệu quả. Kết quả, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 toàn tỉnh đạt 23,5%, nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt 30,1%; tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch tham gia cấp ủy các cấp toàn tỉnh được duy trì ở mức cao 30,8%. Công tác giới thiệu, bồi dưỡng nữ quần chúng ưu tú cho Đảng được các cấp hội quan tâm, chú trọng, trong nhiệm kỳ kết nạp được 6.755 đảng viên nữ (riêng các cấp hội giới thiệu 5.015 hội viên, được kết nạp 3.414 hội viên).
Trong lĩnh vực kinh tế, nữ lao động nông thôn chiếm 61,7% lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp. Các hội viên phụ nữ đã chủ động tiếp cận với thông tin, kiến thức, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng ngành nghề; thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/hộ/năm. Nữ công nhân lao động trong sản xuất công nghiệp hăng hái thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nữ doanh nhân, tiểu thương năng động, bám sát thị trường, tạo dựng thương hiệu, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ. Trong nhiệm kỳ qua đã có 3.145 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo (đạt 278,3%, vượt 178,3% chỉ tiêu nghị quyết).
Cán bộ Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh chuẩn bị sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ trưng bày tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ảnh: DƯƠNG DUYÊN
Trong gia đình, phụ nữ luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng là người mẹ yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy con, là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm chăm lo xây dựng gia đình. Lực lượng nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo, nhóm phụ nữ khuyết tật, yếu thế đã phát huy thế mạnh, không ngừng nỗ lực vươn lên, khắc phục hoàn cảnh. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; duy trì hoạt động, tích cực tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, thể thao, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo nếp sống văn hoá lành mạnh ở cộng đồng. Hiện nay, các cấp hội đã nhân rộng và duy trì trên 500 mô hình liên quan đến gia đình tại cơ sở, đồng thời, phối hợp tham gia duy trì 1.502 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Xây dựng người phụ nữ Lạng Sơn phát triển toàn diện
Trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh; tạo điều kiện tốt nhất để phát huy vai trò của phụ nữ, nhất là trong công tác bình đẳng giới.
Thời gian tới, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi nhưng còn không ít khó khăn, thách thức. Tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ được nâng cao trình độ mọi mặt.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống Nhân dân, với điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế – xã hội; tình trạng mua bán người, xâm hại trẻ em còn nhiều nguy cơ; bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới còn tồn tại; các hủ tục, tập quán lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thay đổi hoàn toàn; từ thực tế trên, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đòi hỏi các cấp hội phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, giải quyết có hiệu quả một số vấn đề phát sinh liên quan đến phụ nữ và trẻ em, các cấp hội phụ nữ cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Theo đó, các cấp hội cần nâng cao hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên phụ nữ; quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ; tăng cường phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hội cấp trên. Trong đó, bám sát, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong các hoạt động công tác hội. Đồng thời, quan tâm giáo dục giữ gìn truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; khuyến khích, vận động các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao kiến thức, trình độ mọi mặt, từng bước vươn lên xây dựng người phụ nữ Lạng Sơn phát triển toàn diện với các giá trị truyền thống, hiện đại và nhân văn.
Mặt khác, các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng, chung tay tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, thay đổi hành vi về thực hiện nếp sống văn hóa trong gia đình, khu dân cư và xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại mỗi địa bàn dân cư; nhân rộng mô hình gia đình tiêu biểu, thôn xanh – sạch – đẹp đảm bảo tính bền vững; vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia, ủng hộ hiến đất, công sức, nguồn lực xây dựng nông thôn mới… phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, tham gia các phong trào quần chúng tại địa bàn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; góp phần thực hiện chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 46-NQ/TU, ngày 8/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025.
Cùng với đó, các cấp hội tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy tính sáng tạo, nhạy bén trong phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, chủ động tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; hỗ trợ thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã do nữ làm chủ; tổ chức xây dựng các mô hình điểm, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Đồng thời duy trì, nâng cao chất lượng các tổ hợp tác, hợp tác xã do hội hỗ trợ thành lập để tham gia phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ có quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), gắn với tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong quản trị, thương mại, nông nghiệp thông minh.
Hội phụ nữ các cấp cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của hội viên và các tầng lớp phụ nữ, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ nhau giảm nghèo, đặc biệt, quan tâm đến nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình. Đa dạng hình thức đoàn kết, tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức hội với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”.
Bên cạnh đó, các cấp hội cần tăng cường hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước, tham gia thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới; thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; là cầu nối giữa Đảng với hội viên, phụ nữ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Với truyền thống vẻ vang, các cấp hội và hội viên, phụ nữ toàn tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong nhiệm kỳ mới.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()