Thứ 4, 27/11/2024 17:42 [(GMT +7)]
Nâng cao vai trò trường chuyên trong hệ thống giáo dục
Thứ 3, 11/01/2011 | 09:04:00 [(GMT +7)] A A
Trong suốt 45 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các trường THPT chuyên đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu để đào tạo các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân giỏi.
Ở một số địa phương, do chưa xác định được mục tiêu của trường chuyên là phát triển năng khiếu của học sinh về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện cho nên chỉ tập trung nguồn lực để phấn đấu đạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nhưng chưa thật sự quan tâm đến giáo dục toàn diện. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính đến tháng 12-2009 cả nước có 76 trường khối THPT chuyên với tổng số học sinh chuyên là gần 50 nghìn em, tăng 2.445 học sinh so với năm 2007. Có khoảng 95% số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi đều rơi vào học sinh chuyên. Không thể phủ nhận rằng chất lượng giáo dục trong các trường THPT chuyên ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh THPT chuyên thi đỗ vào các trường đại học rất cao, trung bình hằng năm hơn 90% và nước ta là một trong những nước đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế. Việc thực hiện mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng và phát triển học sinh năng khiếu chưa được đầy đủ dẫn đến tình trạng học sinh bị lệch về kiến thức. Học sinh ở trường chuyên, lớp chọn ngoài việc được ưu tiên hết mức ở các môn chuyên, các môn còn lại coi như được thả lỏng. Chương trình giảng dạy, kế hoạch giáo dục trong các trường THPT chuyên chưa được thiết kế phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy khả năng của người dạy và người học. Có rất ít tài liệu phục vụ giảng dạy các môn chuyên, tài liệu về các kỳ thi quốc gia, quốc tế và kinh nghiệm giáo dục tài năng của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Nội dung giảng dạy phụ thuộc vào đề thi học sinh giỏi hằng năm chứ không phải nhằm cung cấp kiến thức để tạo điều kiện cho các em học sinh năng khiếu phát triển và đi sâu học tập, nghiên cứu bộ môn mình yêu thích.
Mặt khác, cách đào tạo của trường chuyên gần như chỉ tập trung vào đào tạo kiến thức khoa học, kiến thức hàn lâm trong khi gần như lại bỏ quên mảng đào tạo về nhân cách cho học sinh. Việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội còn rất hạn chế. Từ đó có thể thấy việc các em không biết cách ứng xử khi rơi vào tình huống khó khăn là điều không khó hiểu. Bên cạnh đó, vì được học trong một môi trường đề cao chủ yếu đến thành tích khoa học cho nên học sinh tại các trường chuyên, lớp chọn sẽ không phát huy được tinh thần hợp tác, tinh thần phối hợp.
Trước nhu cầu đòi hỏi về nguồn nhân lực có chất lượng cao, chú trọng đến việc bồi dưỡng, đào tạo học sinh năng khiếu ngay từ cấp học phổ thông, theo Thứ trưởng GĐ-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cần xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Từ năm 2009 – 2010, công tác tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên của một số địa phương bước đầu cho thấy đã bảo đảm chọn được học sinh vừa giỏi toàn diện các môn, vừa có biểu hiện nhất định về năng khiếu chuyên môn, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường THPT chuyên. Nhiều trường THPT chuyên đã chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động văn hóa thể thao, hoạt động xã hội để giúp cho học sinh có tinh thần thoải mái, thể chất tốt để có thể tập trung vào các môn học chuyên sâu.
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT đã xác định đề án trường chuyên để có một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập, có phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo. Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 ra đời với mục tiêu sẽ phát triển các trường THPT chuyên để bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường THPT chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh THPT của từng tỉnh, thành phố. Phấn đấu đến năm 2015, có 100% số trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Mặt khác, sẽ tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường THPT chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới để đến năm 2015 có ít nhất 50% số học sinh được xếp loại học lực giỏi; 70% số học sinh giỏi, khá về tin học; 30% số học sinh đạt bậc ba về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Để phấn đấu những mục tiêu đề ra, giải pháp đặt ra là cần phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường THPT chuyên, tăng cường việc bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên về kiến thức, kỹ năng quản lý và đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức các khóa đào tạo ngắn, dài hạn trong, ngoài nước về giảng dạy bằng tiếng Anh cho giáo viên dạy các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học để từng bước thực hiện dạy học các môn học này bằng tiếng Anh trong các trường THPT chuyên. Các trường nên xây dựng các diễn đàn trên in-tơ-nét để giáo viên và học sinh có thể trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập. Ngoài ra, xây dựng các quy định về tuyển sinh vào trường THPT chuyên theo hướng kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển để phát hiện những học sinh có năng khiếu thật sự. Từng bước áp dụng phương pháp phát hiện năng khiếu, xác định chỉ số thông minh, chỉ số sáng tạo trong việc tuyển sinh vào THPT chuyên.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()