LSO-Với vị trí địa lý thuận lợi, Lạng Sơn đặt ra mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ, trong đó du lịch được quan tâm khai thác như một lợi thế để Lạng Sơn phát triển.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển, tỷ trọng thương mại – dịch vụ trong kinh tế Lạng Sơn chỉ tăng từ 39,1% lên 39,2% (tăng 0,1%), điều đó bộc lộ sự yếu kém trong việc khai thác thế mạnh có sẵn là kinh doanh du lịch. Sự yếu kém đó do nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân không nhỏ từ công tác quản lý trong xây dựng môi trường văn hoá du lịch.
Nếu trong lĩnh vực kinh doanh đơn thuần, tiêu thức lợi nhuận luôn được quan tâm hàng đầu thì với du lịch, tiêu thức đó rất quan trọng nhưng chưa phải là mục đích cuối cùng mà phải hướng tới kinh doanh du lịch có văn hoá. Văn hoá trong kinh doanh du lịch không còn là khái niệm trừu tượng nữa mà nó là sự tôn trọng đối với khách hàng. Việc tôn trọng đối với khách hàng thể hiện qua việc bán hàng hoá và thực hiện đầy đủ các cam kết, qua ăn mặc và hành vi ứng xử của những người tham gia hoạt động dịch vụ du lịch, những nét đẹp văn hoá luôn tạo ấn tượng cho khách hàng có được cảm giác bình yên và thú vị. Trên thực tế, phong tục tập quán trong đời sống văn hoá của cộng đồng cũng có tác dụng rất lớn đến tâm lý du khách và nó đã trở thành tâm điểm của du lịch hiện nay. Điều đó nghĩa là, phải xây dựng được một môi trường văn hoá trong kinh doanh du lịch trên cơ sở tác động từ các yếu tố quản lý. Thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn Lạng Sơn đã có nhiều khởi sắc tạo ra được những bước đột phá làm chuyển biến cả đời sống kinh tế xã hội một vùng quê, nhất là khu vực thành phố Lạng Sơn, Tân Thanh, Đồng Đăng. Mặc dù chưa tạo ra được nguồn thu chủ yếu từ du lịch nhưng thông qua du lịch, thu nhập của cộng đồng dân cư đã tăng lên nhờ phát triển thương mại hàng hoá qua “du lịch mua sắm”. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực thì những yếu tố tiêu cực cũng phát triển và làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường văn hoá du lịch. Do đó, trong qúa trình quản lý, các nhà chức trách cần phải thống nhất về nhận thức, trong kinh doanh du lịch muốn có hiệu quả lâu dài tất yếu phải tính toán đến các yếu tố văn hoá. Từ vai trò của môi trường văn hoá trong du lịch mà đặt ra trách nhiệm của các nhà quản lý trong việc xây dựng và phát triển môi trường văn hoá du lịch, một môi trường được tạo nên bởi những yếu tố mà yếu tố trung tâm chính là con người văn hoá và các quan hệ xã hội của họ. Cụ thể, với các nhà quản lý chính là việc đề ra các chính sách hợp lý cho việc phát triển du lịch. Xây dựng các chuẩn mực trong kinh doanh du lịch, chuẩn mực trong sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, chuẩn mực trong phong cách phục vụ. Quản lý khuyến khích phát triển những nét đẹp trong đời sống văn hoá cộng đồng và hạn chế tiến tới loại trừ những cái xấu xa, tiêu cực, tạo ra môi trường chính trị xã hội ổn định, an toàn và bền vững trên cơ sở đời sống kinh tế được đảm bảo nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Củng cố, phát huy các nét đẹp truyền thống, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, các vấn đề thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng là các yếu tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hoá thu hút du lịch.
Lạng Sơn có môi trường du lịch rất đặc thù, đặc thù bởi loại hình “du lịch mua sắm hàng hoá”, vì vậy, để xây dựng được một môi trường du lịch thực sự có văn hoá lành mạnh cần hạn chế việc nói thách giá quá cao, nâng giá chèn ép khách hàng, việc này các nhà quản lý cần tiến hành khảo sát, nghiên cứu chi tiết các loại dịch vụ từ đó đề ra các tiêu chuẩn, định mức cho các dịch vụ trên cơ sở kết hợp hài hoà lợi ích kinh tế của nhà kinh doanh, người lao động và khách du lịch. Ví như kiểm soát việc niêm yết giá cả hàng hoá, đồng thời, xây dựng khung giá cho các dịch vụ giải khát, ăn uống, tổ chức cấp phép hợp lý các dịch vụ chụp ảnh, chuẩn hoá đội ngũ lao động bằng đồng phục và biển hiệu, giải quyết nghiêm những trường hợp cố tình xâm hại du khách. Xây dựng một lực lượng phục vụ, hướng dẫn viên du lịch và đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp đảm bảo an ninh và quyền được quảng bá, hướng dẫn đối với khách du lịch. Tựu chung lại, để ngành kinh tế du lịch được phát triển bền vững thì việc xây dựng môi trường văn hoá du lịch hợp lý là rất quan trọng, trong đó cần phát huy mạnh mẽ vai trò của công tác quản lý.
Ý kiến ()