Nâng cao vai trò ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” thể hiện quyết tâm chính trị cao và kỳ vọng lớn của tỉnh đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết đem lại nhiều kết quả khả quan, tác động tích cực tới sự phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, cũng cho thấy một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần được nhanh chóng có giải pháp khắc phục trong giai đoạn mới.
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh có trên 1.100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt trên 175.000 tỷ đồng. Trong đó, trên 980 doanh nghiệp hoạt động ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN); tổng số vốn đăng ký đạt trên 15.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 75.800 người. Ngoài một số doanh nghiệp lớn trong các ngành nghề sản xuất thực phẩm, sản xuất sản phẩm từ khoáng sản phi kim… đã hoạt động ổn định từ trước, đa phần các doanh nghiệp còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số vốn đăng ký, dư địa để phát triển không lớn, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong tỉnh.
Từ thời điểm Nghị quyết số 01 ban hành, triển khai trong toàn tỉnh, hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở nên sôi động hơn hẳn giai đoạn trước với các dự án mới thu hút hầu hết đều tập trung tại các KKT, KCN. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01, tỉnh đã thu hút được 37 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt trên 103.670 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt 2,273 tỷ USD.
Lũy kế đến nay, tại các KKT, KCN đang có 118 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 160.000 tỷ đồng. Trong đó có 82 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt 4,213 tỷ USD (tương đương trên 100.000 tỷ đồng); 36 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 56.838 tỷ đồng.Các doanh nghiệp hoạt động tại các KKT, KCN tuy có số lượng không nhiều, nhưng hầu hết là doanh nghiệp đầu tư các dự án trung bình và lớn, có đóng góp lớn trong GRDP của tỉnh. Qua 3 năm, các dự án của doanh nghiệp trong KKT, KCN đã đóng góp trên 2.892 tỷ đồng vào ngân sách; kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt xấp xỉ 13,79 tỷ USD.
Nhờ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có nhiều bước đột phá. Tỷ trọng ngành trong cơ cấu GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 11,3% (tăng 1,5% so với năm 2020); đến hết năm 2022 đạt 11,5% (tăng 0,2% so với năm 2021 và tăng 1,6% so với năm 2020); 9 tháng năm 2023, đạt 11,6% (tăng 0,1% so với năm 2022). Qua đó, dần tiến tới mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết là đến năm 2025, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 15% trong GRDP, tương đương mức tăng 1,04 điểm phần trăm/năm).
Tốc độ tăng trưởng ngành năm 2021 là 30,73% (gần gấp đôi so với tốc độ 17% của năm 2020); năm 2022 đạt mức 16,54%; 9 tháng năm 2023 đạt tốc độ 11,77%. Bình quân 3 năm, tốc độ tăng trưởng đạt 19,68%/năm, cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết 01 là 17%/năm.
Thu hút vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 2 tháng cuối năm 2020 và năm 2021 đạt 31.700 tỷ đồng; năm 2022 đạt 12.860 tỷ đồng; 9 tháng năm 2023 đạt 60.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã đạt xấp xỉ 105.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 2,347 tỷ USD. Sau 3 năm, thu hút vốn đầu tư đạt 210% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025 (bình quân 10.000 tỷ đồng/năm).
Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, cho thấy định hướng đúng đắn và quyết tâm cao của tỉnh và các sở, ngành chức năng trong thực hiện các nhiệm vụ giải pháp Nghị quyết 01, nhưng công tác phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ lấp đầy trong các KCN của tỉnh còn thấp so với các địa phương có công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển ở phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… (đến hết tháng 9/2023 mới đạt bình quân 43,35%); thu hút FDI, chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư có thương hiệu quốc tế thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo làm động lực, tạo sức lan toả; quá trình triển khai xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các KKT, KCN tỉnh vẫn còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa đảm bảo vai trò là nền tảng để phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; việc đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, trong đó có lao động chất lượng cao phục vụ cho KKT, KCN chưa tương xứng…
Để phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn nữa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hiện các sở, ngành chức năng của tỉnh đang bàn bạc, thống nhất, tham mưu UBND tỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp mới.
Trước hết, tập trung đẩy nhanh công tác lập các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch phát triển KKT, KCN, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bám sát và đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện, trình duyệt và ban hành nghị quyết phê duyệt các đề án lớn về xây dựng phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN, CCN; phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh…
Cùng với đó, tỉnh tập trung đổi mới cách thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động; làm tốt công tác GPMB và giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng KCN; nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp…
Nguồn:https://baoquangninh.vn/nang-cao-vai-tro-cong-nghiep-che-bien-che-tao-3264595.html
Ý kiến ()