Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hơn hai triệu công nhân, đoàn viên, người lao động phải nghỉ việc, giãn việc, mất việc làm, đời sống, thu nhập ảnh hưởng rất lớn. Dự báo từ trước, từ xa vấn đề này, tổ chức công đoàn Việt Nam đã có nhiều chủ trương, kế hoạch triển khai công tác chăm lo đoàn viên, người lao động, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo báo cáo của tất cả 83 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, trong đợt Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, đã có hơn 11 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn, với tổng nguồn kinh phí gần 5,85 nghìn tỷ đồng. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Ðình Khang đánh giá: Trong khó khăn, hình ảnh, vai trò của tổ chức công đoàn tiếp tục được khẳng định và thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Vai trò của tổ chức công đoàn, tinh thần chủ động, sáng tạo, sự dấn thân vì đoàn viên, người lao động của đội ngũ cán bộ công đoàn đã đóng góp vào kết quả chung của cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động chăm lo Tết của tổ chức công đoàn mỗi dịp Tết đến, Xuân về tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương và toàn xã hội, đã trở thành hoạt động mang bản sắc, đặc trưng của tổ chức công đoàn. Nhất là, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cấp công đoàn đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chăm lo Tết phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của đoàn viên và người lao động, của tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương.
Trước Tết, vì lý do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cũng như chia sẻ cùng doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất, nhiều công nhân quyết định ở lại địa phương nơi làm việc đón Tết. Theo tổng hợp tại 14 địa phương có đông người lao động, có hơn một triệu công nhân ở lại, không về quê, chiếm 46,69% tổng số người lao động ngoại tỉnh của các địa phương. Cùng với địa phương, tổ chức công đoàn đã chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, dành nguồn lực để tổ chức các hoạt động và chăm lo, hỗ trợ kịp thời công nhân, lao động vui Xuân, đón Tết bảo đảm an toàn, vui tươi, đầm ấm.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động 63 tỉnh, thành phố, ngay từ ngày 5/2 (mồng 5 Tết), hầu hết người lao động ở các doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc bình thường. Ðến ngày 14/2, hơn 99% số người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường. Ðể có được con số nêu trên cũng là nhờ một phần đóng góp quan trọng của tổ chức công đoàn Việt Nam trong việc chăm lo quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động, nhất là trong dịp Tết cổ truyền.
Ðại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp vi phạm pháp luật và không thực hiện tốt trách nhiệm xã hội còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Một trong những lý do khiến đời sống công nhân lao động đã khó khăn càng khó khăn hơn, đó là việc hai năm liên tiếp chưa thể thực hiện tăng lương tối thiểu vùng. Trước tình hình nêu trên, nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động, góp phần hỗ trợ đoàn viên, người lao động giảm bớt khó khăn, Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kịp thời chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tuyên truyền, ổn định tình hình tư tưởng người lao động yên tâm làm việc; trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động bố trí các ca làm việc hợp lý, bảo đảm tiền lương cho công nhân, lao động phải nghỉ việc do bị cách ly hoặc do tiếp xúc gần các ca lây nhiễm Covid-19. Các cấp công đoàn thực hiện một số giải pháp thiếu hụt lao động, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo nhận định của tổ chức công đoàn, nếu như những năm trước, các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu diễn ra trước Tết thì sau Tết Nguyên đán 2022 có xảy ra một số cuộc ngừng việc tập thể. Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 26/1/2022, có 19 doanh nghiệp ở 11 tỉnh, thành phố còn nợ lương của gần 2.000 công nhân, lao động. Ngoài ra, còn có hơn 6.000 người lao động ở 59 doanh nghiệp tại 11 tỉnh, thành phố nợ bảo hiểm xã hội, số tiền là 82 tỷ đồng. Ðiều này đã dẫn tới việc tại các tỉnh này đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể ngay sau những ngày lao động, sản xuất đầu Xuân. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với doanh nghiệp trong việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ, trả tiền thưởng thấp hơn so với Tết năm 2021. Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thị Thanh Hà cho biết: Trước tình hình nêu trên, tổ chức công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giải quyết. Chỉ sau thời gian ngắn, đến ngày 9/2, đã có sáu doanh nghiệp thanh toán một phần hoặc toàn bộ tiền nợ lương với số tiền gần năm tỷ đồng cho 658 người lao động; 10 doanh nghiệp thanh toán toàn bộ số tiền nợ Bảo hiểm xã hội 13,04 tỷ đồng.
Với sự vận động, thuyết phục của tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng, thời gian qua các tổ chức công đoàn đã hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp giải quyết tình trạng nợ lương, đóng bảo hiểm xã hội trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã dành nguồn lực để thăm, động viên, tặng quà công nhân, lao động tại các doanh nghiệp bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Những hoạt động tích cực của các tổ chức công đoàn đã góp phần giảm thiểu tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, không để tình hình thêm phức tạp, kéo dài như những năm trước ■
Ý kiến ()