Nâng cao vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực hàng hải và hoạt động thống kê
Ngày 22-6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ chín, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (HHVN); biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động và thảo luận về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi).
Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về hàng hải
Đầu giờ làm việc buổi sáng, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và biểu quyết thông qua Luật nêu trên, với 439 đại biểu tán thành, bằng 88,87% tổng số đại biểu QH.
Tiếp đó, QH tiến hành thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật HHVN. Các ý kiến phát biểu cho rằng, dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, khắc phục được những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, nhằm phát huy thế mạnh của ngành hàng hải đối với phát triển kinh tế – xã hội, tạo đột phá của ngành hàng hải tương xứng vị trí, tiềm năng để nước ta thật sự trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị không nên lấy tên là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật HHVN mà nên lấy tên là Bộ luật HHVN năm 2015 để bảo đảm quy mô và tính chất của Bộ luật. Đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo cần hoàn thiện thêm một số nội dung chi tiết hơn nữa để Bộ luật này đúng nghĩa Bộ luật HHVN năm 2015.
Đề cập trách nhiệm quản lý nhà nước về hàng hải (Điều 10), các đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, ngành hàng hải đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác ngành hàng hải thời gian qua còn nhiều bất cập, trong khi đó, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đề cập trong dự án Luật này chưa rõ. Do vậy, để tạo điều kiện cho ngành HHVN phát triển, dự thảo Luật cần sắp xếp lại cơ cấu tổ chức hợp lý; đề nghị nâng cấp cơ quan Cục Hàng hải thành Tổng cục HHVN, để giúp Bộ Giao thông vận tải nâng cao vai trò quản lý, khai thác tiềm năng ngành hàng hải. Cùng với đó, quy định rõ pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Tổng cục Hàng hải, cảng vụ…, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm, hiệu lực quản lý nhà nước và thúc đẩy kinh tế hàng hải phát triển. Đồng thời, coi trọng duy trì bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn, an ninh hàng hải đi đôi đáp ứng nhu cầu bảo đảm quyền tự do hàng hải theo quy định của Hiến pháp, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển…
Người lao động được lựa chọn chính sách BHXH
Đầu giờ làm việc buổi chiều, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH về Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết này với 404 đại biểu tán thành, bằng 81,78% tổng số đại biểu QH.
Nội dung Nghị quyết nêu rõ, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH (năm 2014).
Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; hai tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2016.
Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, QH thảo luận, cho ý kiến Dự án Luật Thống kê (sửa đổi).
Hầu hết các ý kiến phát biểu tán thành việc sửa đổi Luật Thống kê nhằm giải quyết những bất cập hiện nay trong công tác thống kê, phù hợp xu hướng phát triển chung và phù hợp hệ thống thống kê quốc tế. Nhiều ý kiến đề nghị, cần có cơ chế và biện pháp thống kê thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn, nhằm đưa ra số liệu thống kê chính xác, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều hành phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), hiện nay nhiều số liệu thống kê được các cơ quan chuyên môn đưa ra, nhưng không giống nhau, khiến cơ quan sử dụng số liệu thống kê không biết căn cứ vào kết quả nào. Do vậy, các cơ quan thống kê tại các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết tình trạng này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm thống kê quốc tế nhằm đưa ra phương pháp thống kê phù hợp thông lệ và xu hướng của thế giới. Đề cập vị trí, vai trò của cơ quan thống kê, nhiều ý kiến tán thành với quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan thống kê trong việc cung cấp số liệu thống kê, bảo đảm chính xác, khoa học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị có chế tài xử lý đối với những trường hợp đưa ra số liệu thống kê thiếu chính xác, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành. Đồng thời, có biện pháp xử lý những trường hợp các cơ quan được thống kê cố tình không cung cấp thông tin chính xác cho cơ quan thống kê, gây ảnh hưởng chất lượng của công tác này. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), cần quy định cụ thể nguyên tắc sử dụng số liệu thống kê và hằng năm Chính phủ cần báo cáo, giải trình trước QH về những số liệu thống kê liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội, tránh tình trạng báo cáo số liệu theo kiểu “cả gói” như hiện nay, gây khó khăn cho QH trong việc đánh giá và hoạch định chính sách phát triển.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam cần có tiêu chí cụ thể, thế nào là cảng biển, thế nào là cảng đường sông; phải phân định rõ quyền quản lý ở vùng chồng lấn giữa vùng nước biển và vùng đường sông. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc): Về thông báo hàng hải, hiện nay còn nhiều vấn đề, giao cho rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác nhau thực hiện chưa đúng thẩm quyền. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam có nhắc đến nhưng chưa chi tiết, cụ thể. Do đó, cần quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền thông báo hàng hải thống nhất. Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên – Huế): Nên nghiên cứu tách cơ quan thống kê quốc gia ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cơ quan này hoạt động theo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhằm bảo đảm tính khách quan. Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An): Cần có biện pháp và cơ chế hữu hiệu giải quyết tình trạng số liệu thống kê giữa cơ quan T.Ư và các địa phương sai lệch nhau, gây khó khăn trong công tác điều hành phát triển kinh tế – xã hội. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()