Nâng cao tỷ lệ đại biểu nữ trong cơ quan dân cử
Chiều 28-10, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới năm 2014 với chủ đề “Nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu cơ quan dân cử” với sự tham gia của nhiều lãnh đạo Quốc hội và đại biểu đại diện cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì; tham dự có: Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta và Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander – Đồng chủ tọa Nhóm điều phối không chính thức của các nhà Đại sứ và đại diện các cơ quan quốc tế về bình đẳng giới; Trưởng đại diện Tổ chức Phụ nữ của Liên hợp quốc Shoko Ishikawa.
Phía Việt Nam có các bà: Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tại cuộc họp, các đại biểu quốc tế và lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam đã tập trung đánh giá về thự tiễn sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử, một số rào cản đối với việc thực hiện mục tiêu, nêu các giải pháp hiệu quả, khả thi và việc tổ chức, triển khai thực hiện, để ngày càng nhiều phụ nữ tham gia thiết chế dân cử.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta đánh giá cao kết quả những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực bình đẳng giới, thực hiện rất tốt các mục tiêu chung về lĩnh vực này.
Đồng tình với đánh giá về những khía cạnh tồn tại trong lĩnh vực này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, cho biết: Từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội Khóa I, đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội Khóa XIII, cho thấy Việt Nam có những tiến bộ đáng kể.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, nhìn vào biểu đồ nữ đại biểu qua các thời kỳ cũng cho thấy Việt Nam cần “có những bước đi vững chắc hơn và cần có những bước đi đột phá để thực hiện mục tiêu 30-35% nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND của nhiệm kỳ 2016- 2021”.
Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí cho rằng, cùng với hệ thống chính trị và xã hội, bản thân người phụ nữ nói chung và nữ đại biểu Quốc hội nói riêng phải nỗ lực vượt qua những định kiến của xã hội, chủ động khẳng định vai trò, vị thế, quyền lợi và trách nhiệm với cương vị đang đảm nhiệm.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh sáng kiến tổ chức Nhóm thảo luận không chính thức thường niên về bình đẳng giới để trao đổi thông tin, thảo luận, đối thoại những vấn đề về bình đẳng giới. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm vấn đề bình đẳng giới, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản thúc đẩy quyền con người, bình đẳng giới. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản nhằm thúc đẩy thực hiện quyền con người, bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả cuộc họp của Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới là cơ hội thiết thực để trao đổi, đề xuất từ góc độ các cơ quan có trọng trách trong bình đẳng giới và trong quy trình bầu cử đối với việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong thời gian tới. Tại kỳ họp lần này, những vấn đề nói trên sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội; cũng như cho ý kiến dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sửa đổi).
Bà Trương Thị Mai cho biết, bên cạnh ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, có ý kiến đề xuất quy định rõ tỷ lệ đại biểu mỗi giới không quá 65-70%.
“Tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-131), bên cạnh chủ đề thảo luận chính của Đại hội đồng “Thiết lập bình đẳng giới, châm dứt bạo lực gia đình”, có hai chủ đề quan trọng khác về “Ảnh hưởng của phụ nữ đối với nghị viện” và “Hạn ngạch phụ nữ trong bầu cử” được thảo luận sôi nổi. Điều đó chứng tỏ rằng việc tạo khuôn khổ pháp lý, cơ chế thực hiện để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện là mối quan tâm chung của tất cả các nghị viện trên thế giới”. (Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng) |
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()