Nâng cao tỷ lệ bao phủ kính mắt tại Việt Nam
Sáng 21/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị thảo luận với chủ đề "Các tổ chức có thể hỗ trợ chính phủ trong việc thúc đẩy chiến lược SPECS như thế nào?" do tổ chức VisionSpring chủ trì. Tại hội nghị, các đơn vị tham gia cùng thảo luận để xác định các thách thức và đưa ra giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ kính mắt của Việt Nam đạt mục tiêu 40%.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới, các đối tác quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ mắt như Viện thị giác Brien Holden, Tổ chức Eye Care Foundation, Tổ chức The Fred Hollows Foundation, Tổ chức Orbis; cũng như sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân.
Tật khúc xạ không được điều chỉnh là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực ở trẻ em và người lớn. Trên toàn cầu, người ta ước tính chỉ có 36% người suy giảm tầm nhìn xa do tật khúc xạ nhận được một cặp kính phù hợp, trong khi hơn 800 triệu người bị suy giảm thị lực gần (tức là lão thị) có thể được giải quyết bằng một cặp kính đọc sách.
Để ghi nhận nhu cầu chăm sóc lớn chưa được đáp ứng, cùng với thực tế là hiện có một biện pháp can thiệp có hiệu quả cao về mặt chi phí (tức là đeo kính), các Quốc gia Thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới đã thông qua mục tiêu toàn cầu đầu tiên về tật khúc xạ tại Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 74 (2021). Cụ thể, mục tiêu toàn cầu là tăng 40 điểm phần trăm trong phạm vi bao phủ hiệu quả tật khúc xạ vào năm 2030.
Chiến lược WHO SPECS 2030 hình dung ra một thế giới trong đó tất cả những ai cần can thiệp tật khúc xạ đều được tiếp cận các dịch vụ chữa tật khúc xạ chất lượng, giá cả phải chăng và lấy con người làm trung tâm.
Sáng kiến SPECS 2030 kêu gọi hành động phối hợp trên 5 trụ cột chính: cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ khúc xạ; nâng cao năng lực cán bộ cung cấp dịch vụ khúc xạ; cải thiện giáo dục dân số; giảm chi phí dịch vụ chữa tật khúc xạ; tăng cường giám sát và nghiên cứu.
Việt Nam, và nhiều quốc gia khác, đã cùng cam kết thực hiện mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ kính mắt lên tới 40% vào năm 2030.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Phòng chống mù lòa Thế giới (IAPB), tính đến năm 2020 có hơn 14 triệu người dân Việt Nam có thị lực kém chưa được điều chỉnh. Phần lớn người dân có tật khúc xạ, nhưng không có tiếp cận với mắt kính, rơi vào nhóm có thu nhập thấp.
Trong thời điểm kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta cần sử dụng mọi công cụ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng năng suất lao động.
Với vai trò là một doanh nghiệp xã hội, kể từ năm 2019, thông qua các đối tác, VisionSpring đã và đang hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp tại Việt Nam tiếp cận với kính mắt. Đặt ra sứ mệnh ngăn ngừa việc suy giảm thị lực, trong 5 năm qua, VisionSpring đã khám cho gần 150,000 người lao động và cấp phát hơn 60,000 cặp kính mắt.
Phát biểu tại hội nghị, Bà Trịnh Thị Thúy Hạnh, Trưởng đại diện của Tổ chức VisionSpring Việt Nam cho biết: "Việt Nam đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong một thập kỷ qua, nhờ vào ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân công. Mở ra hàng triệu cơ hội việc làm, đặc biệt trong các ngành gia công giày dép, dệt may và may mặc. Để đảm bảo lợi thế cạnh tranh thì yếu tố quan trọng để Việt Nam duy trì vị thế là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà sản xuất. Việc tăng cường tiếp cận với dịch vụ chăm sóc mắt là một cách giúp nâng cao năng suất lao động, từ đó tạo nên sự khác biệt.".
Đối với người dân ở khu vực nông thôn, mất rất nhiều thời gian để tới được bệnh viện chuyên khoa mắt hoặc các phòng khám mắt uy tín; thêm vào đó người dân phải xếp hàng dài. Việc tăng cường tiếp cận với kính mắt cần được mở rộng ra ngoài phạm vi bệnh viện và phòng khám; để bảo đảm rằng người dân có thể tiếp cận với kính mắt với giá thành phải chăng, thông qua các kênh nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi và hiệu sách.
Nâng cao nhận thức của người dân cũng là một việc làm quan trọng. Rất nhiều người trì hoãn việc đeo kính, hay không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thị lực. Thăm khám mắt định kì tại công sở, trường học, các trạm trung chuyển, siêu thị, chợ có thể phát hiện sớm các tật khúc xạ và can thiệp kịp thời bằng cách đeo kính.
Bà Trịnh Thị Thúy Hạnh còn cho biết thêm “Với sự hỗ trợ của chính phủ, chúng tôi rất vui mừng được mở rộng hoạt động của tổ chức tại Việt Nam, giúp người dân có tiếp cận với dịch vụ chăm sóc mắt cơ bản cũng như có cơ hội được điều chỉnh thị lực bằng việc đeo kính. Người dân từ đó có thể đảm bảo cuộc sống, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập, có cuộc sống an toàn và hạnh phúc, có khả năng chăm sóc cho gia đình.”.
Kính mắt, một phát minh 700 năm tuổi, có chi phí thấp và mang lại hiệu quả tức thì. Bằng việc chủ động tăng cường khả năng tiếp cận và khả năng chi trả với kính mắt, chúng ta có thể khai mở nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và người dân trên mọi miền tổ quốc.
Về VisionSpring toàn cầu
Được thành lập từ năm 2001, VisionSpring là một doanh nghiệp xã hội toàn cầu hướng tới khuyến khích việc sử dụng kính mắt ở các thị trường mới và cận biên. Sứ mệnh của tổ chức là giúp người dân nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống, khả năng học tập và tăng cường sự an toàn tại nơi làm việc, thông qua chương trình khám và cung cấp kính mắt cho người lao động có thu nhập thấp.
Ý kiến ()