Nâng cao trình độ cán bộ
Ứng dụng công nghệ trồng nho giống mớitrên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Chuyển biến lớn nhất có lẽ phải kể đến đội ngũ cán bộ xã, đặc biệt là Trưởng Ban chỉ đạo và Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới. Cách đây 3 năm, khi bắt tay vào triển khai chương trình, điều mà Ban chỉ đạo tỉnh lo lắng nhất và tập trung quyết liệt nhất là tập huấn cho đội ngũ cán bộ xã. Trình độ, nhận thức của đội ngũ này chưa đồng đều là một trong những khó khăn đã được nhận diện lúc bấy giờ. Thế nhưng hiện nay, qua kiểm tra, hầu hết cán bộ cấp xã đã nắm rất vững. Đặc biệt đối với các xã điểm của tỉnh, của huyện, hầu như Trưởng Ban chỉ đạo và Ban quản lý đều nằm lòng các bước triển khai xây dựng nông thôn mới.
Thời điểm năm 2011, khi tham quan, học tập kinh nghiệm ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nhiều người ngạc nhiên trước sự am tường, trình bày lưu loát không cần đến văn bản, giấy tờ của cán bộ xã này. Nhưng đến nay điều ấy không còn lạ lẫm. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia bộc bạch: đội ngũ cán bộ xã chúng tôi trực tiếp bắt tay vào làm cùng với nhân dân, lại được sự quan tâm, hướng dẫn của các cấp, ngành, làm lâu chúng tôi “ngấm” dần.
Nhìn lại, trong 3 năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đến từng người dân bằng nhiều hình thức, các cấp cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đặc biệt là tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này. Theo thống kê của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới, đến nay đã cấp phát được 5.000 quyển tài liệu hỏi đáp; hơn 3.200 tài liệu tập huấn nghiệp vụ; 3.500 quyển tài liệu tham khảo về phát triển sản xuất và tổ chức 128 lớp tập huấn cho hơn 10.600 cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ cấp huyện tới cấp thôn. Ngoài ra trong suốt quá trình đó, các ngành đã có các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện từng tiêu chí cụ thể.
Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận chưa thực sự chú tâm, cập nhật những văn bản hướng dẫn mới. Nhìn lại quá trình trong giai đoạn 3 năm vừa qua, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh khẳng định: qua thực tiễn cho thấy, hiện nay cán bộ cấp xã nắm rất vững về xây dựng nông thôn mới, thế nhưng chính cán bộ cấp huyện lại nắm rất lơ mơ. Ngay cả đối với một số cán bộ được huyện phân công chuyên trách về xây dựng nông thôn mới cũng chưa nắm rõ.
Mới đây trong cuộc kiểm tra và làm việc về xây dựng nông thôn mới của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình, một cán bộ của huyện Lộc Bình đã mạnh dạn nêu lên những kiến nghị đối với Trung ương. Kiến nghị tập trung vào các vấn đề xác định thu nhập của hộ gia đình, khó khăn trong một số tiêu chí như môi trường, giao thông… Mặt tích cực là cán bộ này đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị mong muốn tạo thuận lợi hơn cho quá trình xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng bởi chưa nắm rõ các hướng dẫn, nên kiến nghị có phần chệch hướng. Cùng dự trong buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Đình Đại lắc đầu: kiến nghị cơ bản sai hết, những nội dung ấy đều đã được hướng dẫn cụ thể rồi. Trước khi đoàn kiểm tra có ý kiến, ông Hoàng Văn Đoàn, Chánh Văn phòng Điều phối cũng đã phải giải thích cho cán bộ này hiểu là những kiến nghị ấy không hợp lý.
Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho thấy một bộ phận cán bộ cấp huyện nắm chưa vững về xây dựng nông thôn mới. Cán bộ cấp huyện nắm không chắc thì sẽ rất khó để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cấp xã triển khai. Thực tế, cũng bởi vậy mà trong thời gian qua một số xã gặp khó khăn, vướng mắc đã tìm cách trao đổi thẳng với các ngành trong Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh, vô hình chung điều này gây áp lực công việc rất lớn lên Ban chỉ đạo của tỉnh. Quan trọng hơn, việc cán bộ nắm lơ mơ thì trong việc tuyên truyền, vận động dễ làm sai lệch nhận thức của nhân dân và cán bộ cơ sở về xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo tỉnh là tiếp tục chú trọng đến đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng đào tạo, tập huấn chỉ thực sự có tác dụng khi bản thân mỗi cán bộ thực sự chuyên tâm và nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()