Nâng cao tri thức cho cán bộ, đảng viên
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc (1958) và dạy: "Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, người chủ tương lai của nước nhà... Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: tri thức không chỉ là nguồn ánh sáng nội lực mà còn là sức mạnh để mỗi cán bộ, đảng viên tổ chức, lãnh đạo quần chúng thực hiện những mục tiêu của cách mạng. Vì lẽ đó, để có thể gương mẫu, lôi cuốn quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ cần có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức trong sáng, mà còn phải luôn phấn đấu vươn lên để làm giàu vốn tri thức của chính bản thân mình bằng cách không ngừng học tập.Nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề cán bộ và năng lực lãnh đạo của người cán bộ đối với sự phát triển của phong trào cách mạng, từ cuộc đời hoạt động cách mạng...
![]() |
Nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề cán bộ và năng lực lãnh đạo của người cán bộ đối với sự phát triển của phong trào cách mạng, từ cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ của mình, từ thực tế công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, đảng viên qua mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chuẩn mực: Cán bộ phải là những người vừa 'Hồng' vừa 'Chuyên'. Song thực tiễn cho thấy, để người cán bộ, đảng viên có đức và tài, có vốn tri thức, có một năng lực trí tuệ nhất định, thì không thể không khổ công học tập, trau dồi kiến thức.
Dành trọn tuổi thanh niên của mình cho những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, khi tìm thấy 'cẩm nang thần kỳ của Lê-nin', Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định trở về Tổ quốc, vạch ra con đường giải phóng đất nước và nhân dân khỏi kiếp nô lệ lầm than. Tuy nhiên, chính sách cai trị hà khắc, phương pháp cai trị 'làm cho dân ngu để dễ trị' của thực dân Pháp đã làm cho đại đa số nhân dân ta mù chữ. Vì vậy, điều kiện xuất thân của phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, nhìn chung chưa hoặc ít có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Mặc dù rất trung thành và nhiệt tình, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, nhưng 'lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít'. Vì vậy, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đặt ra những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Bên cạnh việc chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm sâu sắc đến vấn đề nâng cao trình độ năng lực cho mỗi cán bộ, đảng viên. Tình hình thực tiễn đòi hỏi cán bộ, đảng viên là người không chỉ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, mà còn phải là người lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương của Đảng. Vì họ Ƈ. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng…2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng…3. Phải tổ chức sự kiểm soát…', nên hơn lúc nào hết, điều kiện mới với những nhiệm vụ mới đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có năng lực lãnh đạo (bao gồm cả năng lực trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện). Yêu cầu này đã trở thành tiêu chuẩn, thước đo góp phần quan trọng vào việc đánh giá hiệu quả công việc của người cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, muốn có được năng lực đó, dù đảm nhiệm cương vị công tác nào người cán bộ, đảng viên cũng phải chịu khó học tập, rèn luyện, vì 'cách mạng cũng là một nghề. Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học'.
Trở thành người đứng đầu Nhà nước của dân, do dân, vì dân, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng chăm lo xây dựng Đảng, chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng vừa hồng vừa chuyên vẫn là ưu tiên đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến cách học của mỗi cán bộ, đảng viên: đó là Huấn luyện lý luận, Huấn luyện chính trị, Huấn luyện văn hóa và Huấn luyện nghề nghiệp. Việc này được thực hiện 'trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng'. Khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 9-1949 (nay là Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Người ghi câu mở đầu trong quyển sổ vàng là: 'Học để làm việc, làm người, làm cán bộ'. Không chỉ có vậy, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân thì mỗi cán bộ, đảng viên 'không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn', nên còn phải được huấn luyện về chính trị. Đó là việc 'xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng', là 'thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính phủ' và học những bài học kinh nghiệm của Đảng được tổng kết qua mỗi kỳ Đại hội, vừa học vừa hành, đem lý luận áp dụng vào thực tiễn, bổ sung những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động của quá trình lãnh đạo cách mạng.
Ở giai đoạn cách mạng tiếp theo, tuy có yêu cầu cụ thể về nhiệm vụ khác nhau, song 'để thạo việc', đủ năng lực lãnh đạo, có thể giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề do tình hình cách mạng trong nước và thế giới đặt ra, người cán bộ, đảng viên không thể lãnh đạo chung chung được. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu: Cán bộ chính trị cũng phải giỏi chuyên môn, 'không biết, chỉ chính trị suông, không lãnh đạo được', vì vậy, họ phải có tri thức. Muốn đạt được điều đó, 'tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui' và việc học này phải được 'huấn luyện lâu dài', không phải một sớm một chiều. Vừa nhấn mạnh yêu cầu Đảng phải có kế hoạch huấn luyện, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ rõ việc phải chú trọng công tác huấn luyện cán bộ, lựa chọn cẩn thận người phụ trách công tác này. Từ việc chỉ rõ: 'Những người lãnh đạo cần tham gia việc dạy' và 'không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện', đề cao việc được học tập và tinh thần tự giác học tập để nâng cao năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định'.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa, nhưng lời Người dạy: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại vẫn còn đó. Muốn có năng lực tư duy độc lập, muốn có phương pháp làm việc khoa học, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành mực thước cho nhân dân thì mỗi người cán bộ, đảng viên càng phải luôn luôn chịu khó học hỏi, không ngừng tiến bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm giàu vốn tri thức của bản thân, phải trở thành một người cộng sản.
Tấm gương học tập và học tập không ngừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng tự tin vào bản thân mình, đồng thời nâng cao hơn nữa quyết tâm phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ có học tập và kiên trì học tập, phấn đấu để trở thành người cộng sản mới biến quyết tâm đó trở thành những hành động thiết thực, để họ xứng đáng vừa là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân. Thế kỷ 21, khi nhân loại đang bước vào nền văn minh trí tuệ, văn minh của nền kinh tế tri thức, khi UNESCO đề ra bốn trọng tâm về việc học: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để làm người; thì lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nóng hổi tính thời sự.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()