Nâng cao trách nhiệm và nhận thức của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
– Chiều nay (6/4), đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn chủ trì cuộc họp BCĐ về chuyển đổi số.
Dự cuộc họp có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ về chuyển đổi số tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và tạo sức lan tỏa trong các cấp, các ngành và cộng đồng.
BCĐ chuyển đổi số tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và đạt được một số kết quả nổi bật như: xây dựng mô hình mẫu chuyển đổi số cấp tỉnh tại Lạng Sơn là mô hình tổng thể và toàn diện với 5 trụ cột gồm chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số với các giải pháp cụ thể đã triển khai, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số lâu dài cho tỉnh.
Tỉnh đã hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức 4, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, chuyển hoạt động của các trường học lên nền tảng số và thay thế học bạ giấy, bảng điểm giấy, triển khai thành công cửa khẩu số; hoàn thành 5 chỉ tiêu về chuyển đổi số đến năm 2025 với 100% trường học sử dụng nền tảng số trong công tác giảng dạy và hoạt động quản lý; 100% người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung hoạt động trên nền tảng Lạng Sơn Cloud, 50% số hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử…
Năm 2021, Lạng Sơn xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số (DTI), xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế số. Cách làm của tỉnh Lạng Sơn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cửa khẩu số được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước học tập, nhân rộng.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban, ngành góp ý vào dự thảo Quy chế hoạt động của BCĐ về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn, phát triển hạ tầng số, thương mại điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng bộ các phần mềm, phương pháp thống kê số liệu, chế độ họp BCĐ…
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông đã giải đáp, làm rõ một số kiến nghị, đề xuất của các sở, ban, ngành.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ về chuyển đổi số tỉnh đánh giá cao những kết quả về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Đồng chí chỉ ra một số hạn chế như: nhận thức của cán bộ một số sở, ngành, một bộ phận người dân về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số còn thiếu, chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số “chưa đúng, chưa đủ, chưa sạch và chưa sống”; giá trị thực của một số phần việc, nội dung về chuyển đổi số còn hạn chế; trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân và doanh nghiệp chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác chuyển đổi số còn thiếu và yếu.
Đồng chí yêu cầu: Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát lại toàn bộ văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số để hoàn thiện các văn bản của BCĐ cấp tỉnh, đặc biệt là các chỉ tiêu; rà soát, hoàn thiện quy chế để làm cơ sở hoạt động cho BCĐ cấp tỉnh.
Các thành viên BCĐ tiếp tục duy trì, hoàn thiện, phát huy những kết quả mà công tác chuyển đổi số đã đạt được trong thời qua; gắn chuyển đổi số với viêc nâng cao các chỉ số về công tác cải cách hành chính; nâng cao trách nhiệm và nhận thức của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ để người dân, doanh nghiệp chủ động tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tổng thể toàn diện.
Cùng với đó, các thành viên BCĐ cần tích cực kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả chuyển đổi số chính xác, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế, bất cập.
Đồng chí yêu cầu BCĐ tổ chức họp mỗi quý 1 lần để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()