Nâng cao trách nhiệm và chất lượng đại biểu Quốc hội, HÐND
Ngày 3-6, tiếp tục chương trình làm việc, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) đã nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; nghe Báo cáo thẩm tra dự án luật này. QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ hai dự án luật: Luật Trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Chú trọng nhận thức của cử tri về quyền và trách nhiệm trong bầu cử
Cho ý kiến về dự kiến cơ cấu, số lượng người được giới thiệu ứng cử trong dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND, đại biểu Nguyễn Hữu Ðức (Ðồng Tháp) và nhiều đại biểu tán thành quy định như dự thảo luật, bảo đảm ít nhất 18% tổng số người ứng cử đại biểu QH là người dân tộc thiểu số và 35% tổng số người ứng cử đại biểu QH là phụ nữ, nhưng cần quy định cụ thể việc phân bổ số lượng người ứng cử để tránh tình trạng cơ cấu, số lượng, thành phần không đồng đều tại các đơn vị bầu cử.
Nhiều ý kiến tán thành quy định ưu tiên người nhiều tuổi hơn trúng cử trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau (Ðiều 78, dự thảo luật), bởi đây là thông lệ đã được thừa nhận rộng rãi và thực hiện ổn định qua nhiều năm. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, trong trường hợp này nên quy định theo hướng ưu tiên phụ nữ hoặc người có trình độ chuyên môn, hoặc người dân tộc thiểu số trúng cử.
Về nguyên tắc bầu cử, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về thực trạng đi bầu cử thay, một người viết phiếu bầu cho nhiều người khác, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu thay. Ðể hạn chế việc bầu cử thay, bầu cử hộ, các cơ quan, tổ chức liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bầu cử để cử tri và mọi người dân nâng cao ư thức, nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp này.
Các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Phạm Ðức Châu (Quảng Trị) và một số đại biểu đề nghị quy định rõ hành vi nghiêm cấm trong vận động bầu cử và quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì tiếp tục hướng dẫn, rút kinh nghiệm cụ thể để hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động tuyên truyền, vận động bầu cử.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam cho biết: Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân và ngành hàng hải nói riêng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Bộ luật đã phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, hội nhập của hệ thống cảng biển nước ta theo hướng quy mô lớn, hiện đại và bảo đảm tốt nhu cầu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước với nước ngoài; đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, đồng thời, bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Ðóng góp ý kiến vào Bộ luật Hàng hải, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) phân tích: Bến cảng có rất nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư rồi giao doanh nghiệp Việt Nam quản lý… Chủ trương xã hội hóa là hợp lý. Nhưng cần thận trọng xem xét khi giao các bến cảng cho các công ty nước ngoài. Luật cần quy định rất cụ thể, rõ ràng, để vừa kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh – quốc phòng.
Xem xét vấn đề, phạm vi trưng cầu ý dân
Thảo luận về Dự án Luật Trưng cầu ý dân, đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Ngãi) cho rằng: Dự án Luật Trưng cầu ý dân có ý nghĩa chính trị lớn. Ðây là bước tiến trong dân chủ xã hội ở nước ta và phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Luật Trưng cầu ý dân ra đời đáp ứng mong đợi của nhân dân, là cơ hội để người dân có quyền tham gia đóng góp, quyết định những vấn đề trọng đại của dân tộc, đất nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, xem xét kỹ những phạm vi trưng cầu ý dân, trong đó QH cần xem xét, quyết định vấn đề nào cần đưa ra trưng cầu ý dân.
Làm rõ tính pháp lý của luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ phạm vi trưng cầu ý dân. Nếu không trưng cầu ý dân thì có thể chuyển thành lấy ý kiến nhân dân. Ở một số quốc gia, việc trưng cầu ý dân đơn giản, dễ hiểu.
PV
Ðại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang): Về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu, tôi nhận thấy các tiêu chuẩn để trở thành đại biểu QH và đại biểu HÐND vẫn mang tính chất khái quát, không cụ thể, làm cho quá trình hiệp thương, xác định ứng cử viên đại biểu còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, còn phát sinh tình trạng khiếu nại, tố cáo về tư cách người ứng cử. |
Ðại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ): Nội dung về tiêu chuẩn của đại biểu HÐND đã được quy định nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn. Bên cạnh đó, theo tôi, đối với đại biểu QH, ngoài những tiêu chuẩn chung cần có những tiêu chuẩn riêng, vì QH là cơ quan lập pháp cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi đại biểu QH phải có đủ trình độ, năng lực, kiến thức, kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá từ lý luận đến thực tiễn. |
Ðại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND cần bổ sung đầy đủ quyền và trách nhiệm của cử tri để thể hiện rõ hơn quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Trong đó, cử tri có quyền lựa chọn, giới thiệu, phát hiện và nêu vấn đề về người ứng cử; đồng thời giám sát, kiến nghị và khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động bầu cử nếu có sai phạm. |
Ðại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang): Luật Trưng cầu ý dân là một luật rất khó, nhạy cảm. Ðể hoàn thiện Luật này cần cả quá trình, chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng và lộ trình xây dựng luật bảo đảm chất lượng; nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với thể chế chính trị, quản trị xã hội. |
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()