Nâng cao trách nhiệm trong thực hiện Công ước về chống tra tấn
Cán bộ, chiến sỹ, nhất là những người trực tiếp làm công tác điều tra đã tôn trọng và có ý thức trách nhiệm trong chấp hành Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu.
Sáng 22/1, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội giai đoạn 2016-2020.”
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Thông tin về kết quả thực hiện Đề án, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết qua 5 năm triển khai, các mục tiêu của Đề án cơ bản hoàn thành.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện các nội dung của Đề án. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về ý nghĩa, vai trò, nội dung Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn, các quy định của Bộ Quốc phòng về chống quân phiệt được tăng cường.
Cán bộ, chiến sỹ, nhất là những người trực tiếp làm công tác điều tra, được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án, xử lý vi phạm hành chính đã tôn trọng và có ý thức trách nhiệm trong chấp hành Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn; bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt, chưa xảy ra trường hợp bức cung, dùng nhục hình do người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp gây ra.
Cán bộ, chiến sỹ chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ của quân đội. Những hành vi quân phiệt, hành hung đồng đội ở các đơn vị cơ sở giảm; góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho quân đội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Các đơn vị tiêu biểu trong thực hiện Đề án có thể kể đến như: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Binh chủng Công binh…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về quá trình triển khai thực hiện Đề án. Các ý kiến thống nhất khẳng định việc ban hành Đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn; góp phần phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, xây dựng tinh thần đoàn kết; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những thành tích, kết quả mà các cơ quan, đơn vị đã đạt được trong tổ chức thực hiện Đề án, khẳng định qua 5 năm thực hiện Đề án đã có nhiều mô hình, biện pháp, cách làm đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, tuyên truyền, phổ biến Công ước chống tra tấn nói riêng.
“Việc thực hiện Đề án là nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu khách quan, cấp thiết hiện nay; phù hợp với luật pháp quốc tế và sự phát triển chung của xã hội, tình hình nhiệm vụ của quân đội và yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại,” Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới vẫn diễn biến thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao. Tuy nhiên, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng công khai, trực diện.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án tuyên truyền Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn giai đoạn 2016-2020.
Quân đội tiếp tục được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng về mọi mặt; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có bổ sung, phát triển, khó khăn, phức tạp hơn, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, tình hình trên đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đưa việc tuyên truyền các nội dung của Đề án trở thành công việc thường xuyên, là một nội dung trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, đơn vị.
Do đó, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung quán triệt sâu sắc nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người nói chung, phòng, chống tra tấn nói riêng và công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới; gắn với thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương, quy định của Bộ Quốc phòng và hệ thống điều lệnh, điều lệ trong quân đội.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả tuyên truyền Công ước chống tra tấn, pháp luật Việt Nam về chống tra tấn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án sát đặc điểm, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, nhất là kiến thức pháp luật và kỹ năng cần thiết trong phổ biến giáo dục pháp luật.
Cùng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng tham gia thực hiện Đề án, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện; phát huy nội lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, thực hiện Đề án nói riêng.
Với quyết tâm và tinh thần đổi mới của cán bộ, chiến sỹ, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ tin tưởng thời gian tới, việc thực hiện Đề án sẽ tạo ra sự chuyển biến tiến bộ mới, hiệu quả hơn, tạo bước đột phá về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội trong cán bộ, chiến sỹ toàn quân./.
Ý kiến ()