Nâng cao trách nhiệm tham mưu của các cấp, ngành
LSO-Xây dựng nông thôn mới bám sát theo bộ tiêu chí Quốc gia, nhưng đối với từng tiêu chí cụ thể thì cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để linh hoạt thực hiện cho phù hợp. Đây là điểm rất quan trọng trong quá trình hướng dẫn, bởi nó sẽ tác động đến khi đánh giá, thẩm định tiêu chí. Chính vì vậy công tác tham mưu của các cấp, ngành cần cụ thể và kịp thời.
Đo đạc kiểm tra đường bê tông ở xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan |
Trong đợt kiểm tra về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vào năm 2013, Cố vấn Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới Lê Huy Ngọ đã kể về một câu chuyện có thực. Câu chuyện xảy ra ở một tỉnh miền núi, đặc điểm cũng chẳng khác Lạng Sơn là mấy. Chuyện là một thôn của địa phương này chỉ có vài chục hộ gia đình, nhưng để nhà văn hóa thôn đạt đúng theo tiêu chí nông thôn mới, địa phương đã đầu tư rất lớn san ủi mặt bằng, dựng nhà khang trang và đầy đủ thiết bị. Thoạt nghe thì thấy quyết tâm rất lớn của địa phương, nhưng phân tích sâu ra thì việc xây dựng như vậy quả là lãng phí. Liệu cái nhà văn hóa khang trang, rộng rãi ấy có phù hợp với một thôn miền núi với vỏn vẹn vài chục hộ gia đình? Liệu người dân có sử dụng hết công năng hay không?
So với Lạng Sơn, theo danh sách thì có thôn trên địa bàn tỉnh dưới 10 hộ gia đình. Nếu cũng cố đầu tư để xây dựng nhà văn hóa của thôn ấy theo chuẩn của tiêu chí thì sự lãng phí là hiển hiện. Mà với nguồn lực của tỉnh thì cũng không thể nào kham hết được tất cả các thôn như vậy. Mới đây, cân đối, chắt chiu mãi Lạng Sơn cũng mới chỉ nâng được mức hỗ trợ xây nhà văn hóa thôn của 35 xã điểm giai đoạn 2011-2015 lên một chút. Nhưng nếu không xây dựng theo đúng chuẩn tiêu chí thì khi đánh giá, thẩm định nông thôn mới sẽ không đạt. Đây là bài toán khá nan giải, không chỉ riêng đối với tiêu chí văn hóa như nhà văn hóa thôn, sân chơi, bãi tập mà đối với cả những tiêu chí khác như y tế, giao thông… Và cho đến thời điểm này, đây là khúc mắc lớn nhất của các xã, huyện trong tỉnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đầu tháng 3 mới đây, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực xây dựng nông thôn mới khẳng định: ngoài việc các ngành phải chịu trách nhiệm về tiêu chí trong lĩnh vực mình phụ trách, thì các cấp, ngành còn phải tích cực và chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh những kiến nghị với Trung ương và hướng dẫn các xã, huyện các nội dung cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí. Nếu so sánh thì rõ ràng quy mô nhà văn hóa của xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn phải khác so với quy mô của một thôn thưa thớt ở xã vùng xa. Nhưng cái khác biệt ấy phải thực hiện thế nào, quy mô ra sao, có phù hợp không… cần hướng dẫn rất cụ thể của ngành văn hóa và cũng cần cụ thể như vậy đối với các ngành khác.
Tới thời điểm này, theo thông báo của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới đã có 9 ngành có văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí thuộc phạm vi phụ trách. Nhưng thực chất các tiêu chí ấy vẫn còn rất chung chung và chủ yếu là bám theo các quy định của Bộ, ngành Trung ương chứ ít sự vận dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng chí Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh nêu vấn đề: nhiều ngành khi xin ý kiến của Trung ương không chủ động xây dựng phương án cụ thể để trình, vì vậy các bộ, ngành cũng khó trong việc đồng ý hay không đồng ý cho vận dụng linh hoạt trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Thực tế, khi ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã phân ra từng vùng để các tiêu chí có thể tương đối sát thực. Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 4/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, điều 22, chương III đã quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Căn cứ vào các quy định của Trung ương để cụ thể hóa nội dung thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương” và “Quy định mức đạt chuẩn nông thôn mới đối với từng khu vực trên địa bàn để phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn đảm bảo mức chung của tỉnh theo quy định của Trung ương”.
Đây là những căn cứ quan trọng để các cấp, ngành chủ động tham mưu kịp thời và tích cực hơn cho tỉnh. Nhất là trong giai đoạn này, khi Ban chỉ đạo tỉnh đã đặt quyết tâm đưa 2 xã cơ bản hoàn thành nông thôn mới trong năm 2014 và cũng chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa để hoàn thành các xã trong giai đoạn 2011-2015. Tất nhiên vẫn bám sát bộ tiêu chí quốc gia, nhưng việc thực hiện tiêu chí ở thành phố, Chi Lăng, những huyện có tiềm lực và dân cư tập trung phải khác với các huyện nghèo, dân cư thưa thớt như Đình Lập, Bình Gia… Khác thế nào, thực hiện ra sao chính là ở những hướng dẫn cụ thể của các ngành liên quan tới chương trình xây dựng nông thôn mới.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()