Nâng cao trách nhiệm của chủ dự án
LSO-Từ năm 2013 đến nay, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt triển khai thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế diện tích chuyển đổi sang mục đích khác. Đối với Lạng Sơn, ngay trong năm 2014, UBND tỉnh cũng đã có 4 văn bản chỉ đạo, tuy nhiên tiến độ trồng rừng thay thế vẫn còn đạt thấp.
Dự án thủy điện Bắc Giang, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia có diện tích 158,9 ha chuyển đổi rừng sang làm thủy điện |
Qua rà soát của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay trên toàn tỉnh có 61 dự án, với tổng số trên 1,1 nghìn héc ta đất lâm nghiệp chuyển đổi sang mục đích khác. Trong đó có 35 dự án chuyển đổi đất lâm nghiệp có rừng với tổng diện tích chuyển đổi là 628,6 ha. Trong số đó có 3 dự án chuyển đổi diện tích có rừng sang làm thủy điện là các dự án thủy điện Thác Xăng (xã Hùng Việt, huyện Tràng Định); dự án thủy điện Bắc Khê I (xã Kim Đồng, huyện Tràng Định) và dự án thủy điện Bắc Giang (xã Quý Hòa, huyện Bình Gia).
Trong cả nước có 2.320 dự án trên địa bàn 55 tỉnh, thành phố chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phải trồng lại rừng với tổng diện tích 76.040 ha. Trong thời gian qua, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai trách nhiệm trồng rừng thay thế của các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 62 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Trong đó Quốc hội chỉ đạo phải triển khai nghiêm túc trách nhiệm hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015 đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành, khai thác.
Tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, tiến độ chung của công tác trồng rừng thay thế vẫn rất chậm. Từ năm 2013 đến nay, chỉ có 28/55 tỉnh trồng rừng thay thế với diện tích 7.191 ha. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay (tháng 12/2014), UBND tỉnh đã ban hành 4 công văn chỉ đạo trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, cùng chung với tình hình cả nước, tiến độ triển khai trên địa bàn tỉnh khá chậm. Trong tổng số 35 dự án chuyển mục đích, đến nay mới chỉ có 2 dự án thủy điện (Thác Xăng và Bắc Khê I) thực hiện trồng rừng thay thế với diện tích 50 ha. Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phân tích: có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là trong giai đoạn 2006-2013, công tác trồng rừng thay thế chưa được quan tâm đúng mức, từ khâu chỉ đạo, lập thiết kế, dự toán, phê duyệt dự án đều chưa có nội dung này. Mặt khác nhiều chủ dự án chưa thực hiện đúng trách nhiệm về trồng rừng thay thế và một số dự án đã hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán… khó khăn trong việc quy trách nhiệm và giải quyết nguồn vốn cho trồng rừng thay thế. Trong cuộc họp trực tuyến về trồng rừng thay thế do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì ngày 16/12/2014 vừa qua đã khẳng định quan điểm chỉ đạo của Trung ương: các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ đột xuất, quan trọng trong thời gian tới, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngay sau cuộc họp này, đồng chí Lý Vinh Quang đã chỉ đạo các chủ dự án cần nâng cao trách nhiệm, chủ động rà soát lại và lập phương án trồng rừng thay thế, cần kiến nghị ngay những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với các ngành hữu quan làm việc với các chủ dự án thủy điện, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ và hướng dẫn lập phương án trồng rừng thay thế. Ông Vũ Ngọc Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán I, chủ đầu tư thủy điện Thác Xăng cho biết: ngay sau chỉ đạo của Trung ương và của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, hiện nay Công ty đã chủ động liên hệ với Chi cục Phát triển Lâm nghiệp để lập phương án triển khai, quyết tâm hoàn thành trồng rừng thay thế đúng tiến độ đề ra. Trong tổng số 60 ha rừng cần trồng thay thế, đến nay dự án này đã trồng được 35 ha, như vậy số còn lại không lớn.
Trong 2 dự án thủy điện còn lại, dự án thủy điện Bắc Khê I cũng đã trồng thay thế được 15 ha. Diện tích lớn nhất thuộc về dự án thủy điện Bắc Giang với diện tích chuyển đổi rừng sang làm thủy điện lên đến 158,9 ha, đến nay chưa trồng thay thế được diện tích nào. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, các chủ dự án đã rất chủ động phối hợp với ngành hữu quan để xây dựng phương án trồng rừng thay thế, thực hiện nghiêm tinh thần quán triệt của Trung ương và theo đúng các quy định đề ra.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()