Nâng cao trách nhiệm cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản
LSO-Cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản (KTKS) là một trong những điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp được cấp mỏ khoáng sản.
Thời gian qua, những doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này tại Lạng Sơn cũng đã và đang thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường đầy đủ. Song, vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động KTKS sản chưa thực sự nghiêm túc thực hiện, còn tình trạng dây dưa, kéo dài thời gian lập hồ sơ đóng cửa mỏ.
Kiểm tra mức độ ô nhiễm tại mỏ đá Lũng Tém – Cao Lộc |
Tỉnh ta có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú nhưng phân bố phân tán, quy mô rất nhỏ, có hai loại khoáng sản có trữ lượng lớn là đá vôi và quặng bauxit. Khoáng sản kim loại như sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, Antimon,… có trữ lượng nhỏ. Với tiềm năng và trữ lượng khai thác như vậy đã mang lại ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác và sử dụng khoáng sản của địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Trực, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản và Địa chất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện công nghiệp khai khoáng ở Lạng Sơn đang áp dụng hai phương pháp chính là khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò. Thiết bị sử dụng ở các mỏ lộ thiên chủ yếu là máy khoan, máy xúc, ôtô; một số mỏ có thêm băng tải và máy ủi. Còn dây chuyền công nghệ ở các mỏ hầm lò phức tạp hơn nhưng chủ yếu làm thủ công, một vài mỏ được vận tải bằng xe goòng. Sau quá trình khai thác mỏ thường để lại các dạng địa hình có khả năng gây sạt lở cao, làm ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho con người, súc vật trong khu vực sau khai thác. Bởi vậy, việc cải tạo, phục hồi môi trường lúc này mang tính cấp bách.
Xác định cải tạo, phục hồi môi trường sau KTKS là điều vô cùng quan trọng nên UBND tỉnh và ngành TN&MT đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về lĩnh vực này. Tỉnh đã chỉ đạo ngành TN&MT rà soát, quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các mỏ khoáng sản đã hết thời hạn khai thác, triển khai đề án đóng cửa mỏ và dự án cải tạo. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 39 điểm mỏ đã khai thác và hết thời hạn KTKS (giấy phép khai thác hết hiệu lực), cần thực hiện đóng cửa mỏ. Trong đó, tính đến tháng 5/2014, có 7 điểm mỏ lập hồ sơ đóng cửa mỏ; 6 điểm mỏ có nhu cầu khai thác tiếp, UBND tỉnh đã lập hồ sơ gửi Bộ TN&MT xem xét quyết định; 1 điểm mỏ đã được cấp phép lại và 1 điểm đang hoàn thành thủ tục. Còn lại 24 điểm mỏ hết thời hạn cấp phép nhưng nhưng công tác cải tạo, phục hồi môi trường chưa hoàn thành theo quy định ( theo quy định sau 2 tháng giấy phép hết hạn phải hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ).
Qua số liệu trên cho thấy, còn đến gần 50% số điểm mỏ chậm hoàn thành, từ đó phần nào gây ra nhiều bức xúc cho nhân dân và đi ngược lại những quy định của pháp luật. Ông Hoàng Sơn Hải, Chánh Văn phòng Sở TN&MT cho biết, đối với các điểm mỏ chưa lập hồ sơ đóng cửa, Sở TN&MT đã hai lần gửi văn bản để đôn đốc thực hiện (lần một vào cuối năm 2013, lần hai là tháng 4/2014), nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thành theo quy định. Những diện tích này không được hoàn thổ sẽ không thể sử dụng được vào mục đích khác.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, công tác chỉ đạo thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường đối với các mỏ khoáng sản nói chung đã được tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ. Sở dĩ, các đơn vị còn chậm lập hồ sơ cải tạo, phục hồi môi trường là do các mỏ này thường có nhiều diện tích khai thác trên đất canh tác nông nghiệp, khai thác lộ thiên theo phương pháp đào đất, theo thời gian đất màu đã bị rửa trôi, nên việc hoàn thổ đất màu, loại bỏ đá cuội, sỏi lẫn trong đất hoàn thổ để bảo đảm đất canh tác được còn gặp khó khăn. Thêm nữa, trong khi hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về cải tạo, phục hồi môi trường cho từng loại hình KTKS vẫn còn thiếu thì không ít doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác, việc hoàn thổ thực hiện không nghiêm túc nên khi hết thời hạn mới tiến hành phục hồi sẽ tốn nhiều chi phí, nhiều thời gian để hoàn thiện thiết kế, quy hoạch cải tạo, phục hồi môi trường. Ngoài ra có một số ít đơn vị chưa thực sự đề cao trách nhiệm trong việc này.
Ông Hải khẳng định, cùng với việc nâng cao trách nhiệm trong quản lý khai thác, bảo vệ và sử dụng khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả thì công tác thụ lý, thẩm định, cấp phép, gia hạn khai thác và cải tạo, phục hồi môi trường sau KTKS cần tiếp tục được thực hiện nghiêm theo đúng quy định. Đồng thời, ngành TN&MT và các ngành chức năng trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động khoáng sản nói riêng. Riêng đối với các điểm mỏ đã hết thời hạn khai thác, Sở TN&MT tiếp tục chỉ đạo phòng chức năng trong tháng tới sẽ trực tiếp đến kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()