Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành xi-măng
Bốc xếp xi-măng tại Công ty xi-măng VICEM Hoàng Thạch (Hải Dương). Năm 2012, nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đà tăng trưởng của ngành xi-măng, trong đó có Tổng Công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem).Với tình trạng hiện nay cung vẫn vượt cầu, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất xi-măng chắc chắn sẽ còn khốc liệt, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DN nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.Còn nhiều nỗi loTổng Giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh đánh giá: Thị trường xi-măng cung vượt cầu khoảng 10 - 12 triệu tấn nên cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi đó lãi suất ngân hàng vẫn giữ ở mức cao khoảng 19% trong thời gian dài, mức tăng trưởng tín dụng giảm sâu dẫn tới khả năng tiếp cận vốn của DN càng khó khăn. Giá nguyên, nhiên vật liệu tiếp tục tăng, bình quân khoảng 11,2% so cuối năm 2011. Chính phủ vẫn...
Bốc xếp xi-măng tại Công ty xi-măng VICEM Hoàng Thạch (Hải Dương). |
Với tình trạng hiện nay cung vẫn vượt cầu, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất xi-măng chắc chắn sẽ còn khốc liệt, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DN nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Còn nhiều nỗi lo
Tổng Giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh đánh giá: Thị trường xi-măng cung vượt cầu khoảng 10 – 12 triệu tấn nên cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi đó lãi suất ngân hàng vẫn giữ ở mức cao khoảng 19% trong thời gian dài, mức tăng trưởng tín dụng giảm sâu dẫn tới khả năng tiếp cận vốn của DN càng khó khăn. Giá nguyên, nhiên vật liệu tiếp tục tăng, bình quân khoảng 11,2% so cuối năm 2011. Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công, vì vậy, nhiều dự án bị giãn, hoãn tiến độ, tác động lớn đến quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty. Tuy nhiên, Tổng công ty vẫn đạt được một số kết quả khả quan, lợi nhuận tăng hơn 37% so cùng kỳ, trả nợ được 4.900 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ tăng 9% và dành 63 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Với đội ngũ cán bộ, công nhân viên khoảng 16 nghìn người, Vicem đang từng bước sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức theo đúng Nghị quyết của Chính phủ, thực hiện tiết giảm chi phí 446 tỷ đồng, vượt con số đăng ký theo Chỉ thị 01 của Chính phủ bảy tỷ đồng.
Thực tế năm 2012, Vicem còn gặp phải nhiều vấn đề khác, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong đó, vấn đề hỏng hóc thiết bị hoặc sự cố dẫn đến ngừng sản xuất ngoài dự kiến xuất hiện tại tất cả các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, việc tiết giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, điện năng chưa được các đơn vị thành viên quan tâm đúng mức. Đơn cử Vicem Hoàng Mai, định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu đã làm giảm 20 tỷ đồng lợi nhuận của công ty. Đồng thời, công tác tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn một phần do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, mặt khác do cơ chế, chính sách bán hàng chưa linh hoạt, nguồn lực cho công tác thị trường còn hạn chế, dẫn đến mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ giảm hơn so khối xi-măng liên doanh và khối xi-măng khác.
Một trong những kênh tiêu thụ là xuất khẩu xi-măng cũng gặp “trục trặc”. Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện cho biết, mặc dù xuất khẩu xi-măng mang lại một số lợi ích nhất định như: giảm áp lực tiêu thụ nội địa, thu được ngoại tệ để trả nợ… tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng tranh bán, giảm giá dẫn đến hiệu quả không cao, thậm chí còn lỗ. Vicem năm nay xuất khẩu xi-măng tăng 27,8% so năm 2011, nhưng do các đơn vị chưa tính hết được các chi phí phát sinh nên hiệu quả không như mong đợi, ngoại trừ Vicem Hà Tiên 1 thực hiện tốt chương trình này. Tính đến hết ngày 31-12-2012, tổng sản phẩm tồn kho của Vicem là 1,39 triệu tấn, trong đó tồn clanh-ke 1,04 triệu tấn, xi-măng bột 0,33 triệu tấn, tương đương 25 ngày sản xuất của Tổng công ty. Con số này được đánh giá là hợp lý trong thời điểm hiện nay.
Bố trí lại sản xuất
Khắc phục tình trạng dừng lò, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu là hai yếu tố quyết định được Tổng công ty tập trung trong thời gian tới. Chủ tịch HĐTV Vicem Lương Quang Khải cho biết: “Tổng công ty sẽ đẩy mạnh các giải pháp để chạy sản xuất dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng xảy ra sự cố hỏng hóc thiết bị dẫn đến dừng sản xuất ngoài dự kiến. Năm qua, có hai dây chuyền là Bỉm Sơn 2 và Hoàng Thạch 3 đều chạy liên tục hơn 335 ngày và được thưởng mỗi đơn vị 10 triệu đồng. Vấn đề quan trọng tiếp theo là tập trung các biện pháp tiết giảm các chi phí, nhất là nguyên, nhiên liệu và điện năng. Đây là mấu chốt để hạ giá thành vì các chi phí này chiếm tới hơn 50% chi phí giá thành sản phẩm. Hiện nay, hầu hết các chỉ số tiêu hao nguyên, nhiên liệu tại các đơn vị đều “suýt soát” định mức Tổng công ty giao, vì vậy sẽ còn rất nhiều cơ hội, giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Tổng Giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, năm 2013 sẽ vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên, Tổng công ty sẽ không còn bị động như năm 2012. Việc hoạch định chiến lược phát triển của Vicem đã được chủ động tính toán, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ngoài việc tập trung kéo dài thời gian chạy lò và tiết giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, điện năng, Tổng công ty sẽ tập trung rà soát, siết chặt cơ chế quản lý, tránh tiêu cực trong công tác nhập nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng không đồng đều. Tiếp tục triển khai dự án “Làm kín lò nung bằng graphite nhằm tiết kiệm nhiên liệu” tại các đơn vị theo lịch dừng lò chủ động do các đơn vị đề xuất. Đẩy nhanh triển khai chương trình thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện. Vấn đề hiện nay là nguồn vốn, tuy nhiên đây chỉ là khó khăn ngắn hạn. Trên thế giới, các tập đoàn xi-măng đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu và triển khai quyết liệt vì lợi ích lâu dài rất lớn, do vậy Vicem vẫn tiếp tục nghiên cứu và sớm triển khai khi điều kiện tài chính thuận lợi.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động xuất khẩu, sự phối hợp giữa các đơn vị thành viên được đặt lên hàng đầu. Tổng công ty sẽ tiến hành mua lại sản lượng từ một số đơn vị nhằm tập trung đầu mối xuất khẩu, phát huy lợi thế về thương hiệu, tiến tới xuất khẩu thông qua các công ty thương mại, tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán. Đồng thời tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa công ty mẹ và các công ty thành viên, thoái vốn tại các công ty, sẵn sàng triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc Tổng công ty giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()