Thị trường xi-măng hiện đang phát triển nhanh chóng. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, lượng xi-măng dư thừa trong năm nay sẽ khoảng hơn 10 triệu tấn do nhiều dây chuyền mới đi vào sản xuất, dẫn đến mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Nhiều nhà máy gặp khó khăn trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ và chiếm lĩnh thị trường.
So với cùng kỳ năm 2009, tốc độ tiêu thụ xi-măng năm tháng đầu năm 2010 của Tổng công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam (ViCem) thấp hơn mức tăng của toàn xã hội khoảng 3% và thị phần của ViCem giảm 1%, cho thấy các biện pháp về tiêu thụ sản phẩm cần phải được cải tiến và quan tâm hơn, nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân của xã hội và mục tiêu của ViCem đề ra. Để chủ động ứng phó, từng bước vượt qua khó khăn, một số nhà máy xi-măng của ViCem đã nghiên cứu, áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp cụ thể như: Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vận hành hợp lý, tinh giản bộ máy, giảm chi phí, tăng năng suất, huy động tối đa công suất, thiết bị để hạ giá thành sản phẩm…
Giám đốc Công ty xi-măng Hoàng Thạch Đào Ngọc Bình cho biết, năm 2009, tại khu vực Quảng Ninh đã có thêm bảy triệu tấn xi-măng, Hải Dương khoảng 10 triệu tấn, riêng Tổng công ty công nghiệp Xi-măng Việt Nam khoảng bảy triệu tấn, vì vậy việc cạnh tranh, giành giật thị trường hết sức quyết liệt. Trong khi một số doanh nghiệp liên doanh và tư nhân sẵn sàng hạ mức giá để tăng mức tiêu thụ thì các doanh nghiệp nhà nước lại gặp khó khăn về cơ chế do phải chờ xin ý kiến, dẫn đến có thời điểm mức giá chênh lệch giữa các doanh nghiệp khoảng 180 nghìn đồng/tấn. Với năng lực hiện nay khoảng 16.000 tấn/ngày, công ty luôn bảo đảm đầy đủ tất cả các nguồn hàng, không để xảy ra hiện tượng “đứt chân hàng”. Bên cạnh đó, công ty luôn đẩy mạnh áp dụng sáng kiến kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm như: sử dụng xỉ lò cao, cải tạo hệ thống điện cho cả ba dây chuyền, tận dụng nhiệt khí thải, dùng than nhiệt lượng thấp để tăng hiệu quả sản xuất, từng bước đa dạng hóa sản phẩm phụ gia (hiện nay tỷ lệ pha phụ gia là 20% sẽ nâng lên 25 đến 26%, nếu có nguồn phụ gia tốt, tỷ lệ này có thể đạt mức 30%). Ngoài ra, công ty cũng đang xây dựng phương án xây dựng trạm nghiền bán đá vật liệu xây dựng vì có nhiều loại đá không dùng để sản xuất xi-măng được. Công ty cũng chủ động, linh hoạt điều hành sản xuất, cử cán bộ kỹ thuật, từng bước tiếp cận được trình độ công nghệ, đẩy nhanh tiến độ, sớm tiếp nhận bàn giao, vận hành an toàn, ổn định dây chuyền 3 và cả ba dây chuyền. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư nâng công suất dây chuyền 1 từ 3.100 tấn/ngày lên 7.000 tấn/ngày, cải tạo dây chuyền 2, duy trì hoạt động ổn định dây chuyền 3 (đang vượt công suất thiết kế trong thời gian dài) nâng tổng công suất nhà máy lên 5 triệu tấn sản phẩm/năm… Mục tiêu lợi nhuận năm nay ước đạt 320 tỷ đồng, tăng thu nhập bình quân lao động từ 8 đến 10% lên mức 9 đến 10 triệu đồng/ người/tháng.
Cùng chung nhiều khó khăn trên, Công ty cổ phần xi-măng Hoàng Mai, đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Năm 2009, công ty tiêu thụ 1,74 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt 1.380 tỷ đồng, lợi nhuận 152 tỷ đồng… Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Quang, công ty đã xây dựng được nền quản trị doanh nghiệp tiên tiến, chuyên nghiệp cũng như chiến lược phát triển thị trường bền vững. Sản phẩm xi-măng Hoàng Mai có mặt tại nhiều công trình trọng điểm quốc gia và khu vực dân sinh, với hơn 30 nhà phân phối và gần 1.800 đại lý bán lẻ. Đồng thời, công ty luôn cải tiến kỹ thuật để hạ mức tiêu hao nguyên nhiên liệu (thuộc hàng thấp nhất trong các công ty sản xuất xi-măng) làm tăng lợi nhuận, thuế và khấu hao sản phẩm. Ngoài ra, một trong những thành công của công ty là chủ động và ổn định được nguồn nguyên liệu chính như đá vôi, đất sét trữ lượng lớn, chất lượng cao, khoảng cách gần, chi phí khai thác thấp. Đây cũng là thế mạnh mà nhiều công ty xi-măng khác không có được vì đang xảy ra hiện tượng tranh chấp các mỏ đá tại các nhà máy xi-măng… Năm tháng đầu năm, công ty đã sản xuất và tiêu thụ hơn 662 nghìn tấn, tăng 15% so cùng kỳ, đạt doanh thu 546 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 115% so với kế hoạch đề ra.
ĐỂ phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các công ty xi-măng cần chủ động điều tiết quá trình sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh bằng các biện pháp cải tiến kỹ thuật công nghệ, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và mở rộng hệ thống phân phối. Đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng xi-măng chất lượng kém được bày bán tràn lan xảy ra tại một số tỉnh, thành phố hiện nay.
Ý kiến ()