Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc phát huy tiềm năng, cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Thời gian qua, các mô hình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, khởi sự kinh doanh của các cấp hội phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được lan tỏa sâu rộng.
Khơi nguồn khởi nghiệp
Tại Cơ sở nước mắm cá linh Dì 10, xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự (Đồng Tháp), không khí lao động nhộn nhịp trở lại sau những ngày bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cá linh theo con nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về nhiều cũng là lúc chị Phan Thị Kim Diệu (sinh năm1987) chủ Cơ sở nước mắm cá linh Dì 10 tất bật bên các lu khạp ủ cá. Hình ảnh đó gợi nhớ cách đây gần ba năm, sau khi đạt giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, chị Kim Diệu đã vượt qua biết bao gian khó những ngày đầu khởi nghiệp từ nghiên cứu sản phẩm, đưa sản phẩm đến với thị trường… Những lần như thế, chị luôn được cán bộ hội phụ nữ động viên, cho vay vốn khởi nghiệp từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh quản lý. “Suốt thời gian qua, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh, nhưng nhờ sự đồng hành, hỗ trợ nguồn vốn của Hội LHPN tỉnh, gia đình tôi đã ổn định vượt qua đại dịch để tiếp tục kinh doanh đặc sản quê mình”, chị Diệu phấn khởi chia sẻ.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: “Trước những khó khăn, vướng mắc của chị em phụ nữ, các cấp Hội LHPN tỉnh lắng nghe ý kiến để kịp thời hỗ trợ, khơi dậy tinh thần, giúp các chị em mạnh dạn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp; kịp thời hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp nữ quản lý khi có nhu cầu về vốn tái sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực, đổi mới, sáng tạo trong khởi nghiệp, đặc biệt tăng cường hỗ trợ các chị em ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử”.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song những năm qua, Hội LHPN tỉnh Sơn La luôn xác định nội dung vận động, hỗ trợ sinh kế, cải thiện cuộc sống, sáng tạo khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. “Rào cản lớn của phụ nữ dân tộc chính là những định kiến xã hội về trao quyền cho phụ nữ. Do đó, Hội LHPN tỉnh đã đứng ra ký kết hoạt động ủy thác vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; triển khai các loại hình tiết kiệm phù hợp, đẩy mạnh tiết kiệm gắn với an sinh xã hội, nhằm tạo nguồn vốn tại chỗ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định đời sống”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sơn La Bùi Thanh Thủy cho biết.
Năm 2018, chị Hà Thị Chình, dân tộc Thái, Chi hội trưởng phụ nữ bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu đã được Hội phụ nữ huyện giúp đỡ thành lập nhóm “Trồng hoa quả sạch an toàn”. Sau đó phát triển và đổi tên thành “Câu lạc bộ nữ xoài Yên Châu” thu hút được 35 thành viên tham gia và rất nhiều chị em trong chi hội cùng thực hiện. Chị Chình cho biết: “Năm 2020 sản lượng xoài của câu lạc bộ đạt hơn 600 tấn, cho thu nhập hơn bốn tỷ đồng, trong đó có ba chị em đạt hơn 500 triệu đồng, từ đó đã giúp gia đình các chị thu nhập ổn định”. Cũng như chị Chình, chị Đinh Thị Luận, dân tộc Mường, bản Nà Lò 1, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, cùng các hội viên khác đã được các cấp hội phụ nữ hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật để phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua phong trào thi đua “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Hiện các bản trong xã đều xây dựng được quỹ hội để giúp đỡ các hội viên khó khăn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Cùng với đó, các chị còn được hướng dẫn trồng cây gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng, đem lại nguồn thu ổn định.
“Nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, chủ động đưa ra các quyết định và thực hiện các mô hình sinh kế, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động phụ nữ tham gia các tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết, hợp tác xã; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, truyền thống, thế mạnh của các địa phương theo chuỗi sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, chị Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh.
Hỗ trợ phụ nữ vượt đại dịch
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của mọi tầng lớp phụ nữ, từ kinh tế hộ gia đình, sản xuất, kinh doanh nhỏ, hay hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn phải dừng hoạt động. Với quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ làm chủ hộ phục hồi kinh tế. “Hội LHPN tỉnh đã phối hợp đơn vị liên quan thực hiện dự án Trao quyền cho phụ nữ nghèo yếu thế để vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 tại các xã, phường thuộc thị xã Kinh Môn, với các hoạt động như: Hỗ trợ hộ phụ nữ nghèo, yếu thế về tiền mặt để phục vụ nhu cầu mua các nhu yếu phẩm bao gồm thực phẩm, thuốc men, sách vở cho trẻ em, đóng tiền học phí…; trao tặng cây, con giống, phân bón, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp để khôi phục lại các hoạt động sinh kế trước đó bị ảnh hưởng bởi đại dịch”, chị Phạm Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương cho biết.
Là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ để phục hồi kinh tế sau đại dịch, chị Đào Thị Hằng, phường An Lưu, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) không giấu nổi niềm xúc động. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chị lại là mẹ đơn thân nuôi hai đứa con nhỏ. Trước kia, nguồn thu nhập dựa vào việc bán hàng tại nhà nhưng do dịch bệnh, chị phải đóng cửa hàng. Chị Hằng chia sẻ: “Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội phụ nữ đã hỗ trợ 90 con gà giống để chăn nuôi. Tôi mong sao sau này tích lũy được đủ vốn để mở lại cửa hàng, có nguồn thu ổn định, chăm lo cho các con ăn học đầy đủ”.
Có thể thấy, thời gian qua, nhằm kịp thời hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của phụ nữ, đặc biệt những nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tích cực thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, để giúp chị em vừa phòng, chống dịch vừa khôi phục đời sống kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”; hỗ trợ phụ nữ kết nối, tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm gánh nặng tài chính, tạo thu nhập, việc làm, giải quyết được việc ách tắc lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện tái sản xuất…
Đáng chú ý, trước tình hình thay đổi phương thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến, Hội LHPN Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử cho các nữ chủ hộ sản xuất, hộ kinh doanh, ban quản lý hợp tác xã, nữ chủ doanh nghiệp nhỏ. Các lớp đào tạo về sàn thương mại điện tử, về mạng xã hội và livestream bán hàng đã đáp ứng đúng nhu cầu cấp bách của phụ nữ. Dấu ấn hiệu quả của các khóa đào tạo được ghi nhận bằng kết quả cuộc thi “Giải Livestream Idol” do Hội LHPN Việt Nam trao tặng, đã truyền cảm hứng cho chị em khẳng định bản thân, nỗ lực vượt qua “vòng tròn an toàn” của mình, linh hoạt, nâng cao khả năng trong tiếp cận thiết bị công nghệ, kiến thức và kỹ năng số để kinh doanh trong mùa dịch.
“Để hỗ trợ phụ nữ tăng năng lực chủ động, tự tin trong phát triển kinh tế, hằng năm, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã được tổ chức rộng khắp cả nước. Song do tình hình dịch bệnh, các khóa đào tạo về khởi nghiệp và cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP năm 2021” được diễn ra dưới hình thức online. Đây là ý tưởng với quyết tâm rất cao của Hội LHPN Việt Nam trong việc đề ra các giải pháp với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, nhằm bảo đảm cho phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện được quyền trong tiếp cận các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, vào cuộc trong việc tham mưu, giám sát, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới trong tiếp cận chính sách, đặc biệt là các chính sách đối với nhóm khó khăn, yếu thế như người lao động mất việc làm mà không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ”, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết.
Ý kiến ()