Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác giám định tư pháp
Ngày 6-3, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) đã họp phiên thứ tư nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì cuộc họp. Tham dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư; Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp và đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, thời gian qua, các bộ, ban, ngành ở T.Ư và địa phương đã quan tâm hơn đến công tác xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, hồ sơ bổ nhiệm giám định viên, về quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn làm cơ sở để hoạt động GĐTP hiệu quả. Đội ngũ giám định viên tư pháp phát triển mạnh về số lượng, bảo đảm về phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm. Đến nay, cả nước có 4.821 giám định viên tư pháp. Số người giám định theo vụ việc đã được công bố là 889 người, chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực không có tổ chức GĐTP… Qua thống kê, cả nước vẫn còn tám tỉnh chưa củng cố, kiện toàn tổ chức GĐTP công lập trong lĩnh vực pháp y theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về hoạt động GĐTP chưa tương xứng yêu cầu.
Một số bộ, ngành chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với hoạt động GĐTP, còn nợ đọng công việc. Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có các giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm của ngành theo quy định của Đề án và Luật Giám định tư pháp.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Năm 2015, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Đề án, Luật Giám định tư pháp, hoàn thành trong quý II-2015. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Công an ban hành quy chế phối hợp giữa trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, các cơ quan liên quan trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y… Một trong những yêu cầu trọng tâm là các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp, củng cố, kiện toàn các tổ chức GĐTP công lập theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời xem xét thành lập tổ chức GĐTP công lập ở các lĩnh vực cần thiết.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()