Nâng cao nhận thức và hiểu biết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam
Mấy năm trở lại đây, cùng với xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vấn đề trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp (DN) ngày càng được quan tâm và được xem là cốt lõi trong giá trị thành công của doanh nghiệp. Ngành dệt may cũng không là ngoại lệ.
Mấy năm trở lại đây, cùng với xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vấn đề trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp (DN) ngày càng được quan tâm và được xem là cốt lõi trong giá trị thành công của doanh nghiệp. Ngành dệt may cũng không là ngoại lệ.
Theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), thực tế, thời gian qua, ngành cũng có nhiều nỗ lực để nâng cao nhận thức và hiểu biết về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các đơn vị toàn ngành. Theo đó, các giá trị cần phải đảm bảo bao gồm: tuân thủ pháp luật; tự do Hiệp hội và Thỏa ước Tập thể; cấm phân biệt đối xử; tiền lương và thu nhập; thời gian làm việc; điều kiện lao động an toàn và đảm bảo sức khỏe; cấm sử dụng lao động trẻ em; cấm sử dụng lao động cưỡng bức và hình phạt; bảo vệ môi trường; hệ thống quản lý; tự do lựa chọn việc làm; tôn trọng quyền Tự do tham gia Hiệp hội và quyền thỏa ước tập thể; điều kiện làm việc an toàn và hợp vệ sinh; không sử dụng lao động trẻ em; tiền lương; thời gian làm việc không vượt qui định; không phân biệt đối xử; có qui định về lao động; không được đối xử tàn bạo, độc ác. Đồng thời cũng nắm bắt các qui định, tiêu chuẩn quốc tế: WRAP; ISO 9000, 14000, ISO26000 (mới)… cũng như các qui định, luật pháp Việt Nam…
Thực tế, ngành dệt may thời gian qua đã đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp; sử dụng hơn 2,500,000 lao động, chiếm 5% lực lượng lao động toàn quốc với trên trên 3000 doanh nghiệp, trong đó có tới 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Hiện nay, ngành dệt may đứng thứ nhất trên tổng số các ngành nghề về xuất khấu, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đồng thời là Top 10 trong số 153 nước xuất khẩu dệt may trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan…
Mục tiêu phát triển dệt may Việt Nam đến 2015, tầm nhìn 2020 là phát triển ngành dệt may thành ngành phát triển mũi nhọn tập trung cho xuất khẩu; thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu của thị trường nội địa; tạo thêm việc làm cho xã hội; tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập vững chắc vào thị trường thế giới và khu vực.
Nhờ Dự án “Hỗ trợ DNNVV Việt Nam nâng cao hiểu biết và thực hiện TNXHDN nhằm tăng cường liên kết đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) Việt Nam, ngành dệt may đã xây dựng được nội quy, quy định của mình nhưng vẫn còn hạn chế là chưa tích hợp với các qui định quốc tế và hệ thống đồng bộ. Đồng thời có những hoạt động đáp ứng các nội dung TNXH hấp dẫn người lao động, quan hệ tốt với cộng đồng, khách hàng và người tiêu dùng như: chế độ lương, thưởng, các phúc lợi, trang bị thiết bị an toàn bảo hộ lao động, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng nhà văn hóa, nhà ăn ca, nhà ở cho công nhân ngoại tỉnh… Đặc biệt, có tổ chức công đoàn hoạt động tốt vừa giúp chủ sử dụng lao động trong hoạt động kinh tế vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, cũng theo bà Phương Dung, việc hiểu về TNXH doanh nghiệp và triển khai theo trong toàn ngành với mối liên hệ với code of conduct (COC) của các khách hàng còn bị động và chưa đầy đủ (do buộc phải tuân thủ). Đơn cử như, DN muốn làm hàng xuất khẩu phải tuân thủ COC do Khách hàng EU và USA chỉ mua hàng từ các nhà cung cấp tuân thủ và đạt tiêu chuẩn COC; mỗi khách hàng thường có bộ Tiêu chuẩn COC riêng hoặc theo tiêu chuẩn chung BSCI, ETI…và các tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia.
Ngành dệt may là một trong nhóm ngành xuất khẩu cao. (Ảnh: MP) |
Bên cạnh đó, việc nhận thức, hiểu về TNXH vẫn chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được cơ hội và tính ưu việt của TNXHDN nên việc thực hiện còn mang tính bị động và đối phó, chủ yếu tập trung vào DN làm hàng xuất khẩu.
Hơn nữa, bộ máy và nhân sự thực hiện TNXHDN chưa đáp ứng yêu cầu và chưa chuyên nghiệp. Đáng chú ý, còn tồn tại nhiều nơi, nhiều lúc những vụ việc chưa tuân thủ các nội dung TNXHDN như: Kéo dài thời giờ làm thêm, chưa đảm bảo tiền lương và thu nhập, đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ theo quy định, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh nơi làm việc, vi phạm về gây ô nhiễm môi trường v.v dẫn đến còn vụ việc đình công dù chủ yếu là trái luật.
Quá trình thực hiện cũng cho thấy một số vướng mắc khi triển khai, đó là, các DN gặp khó khăn trong tuân thủ TNXH do mỗi nhà nhập khẩu đều có bộ tiêu chuẩn (COC) riêng khác nhau. Các DNNVV phải đáp ứng các hệ thống kiểm tra, các công ty đánh giá khác nhau; nhiều qui định mâu thuẫn, khác nhau; tốn phí và thiếu nguồn nhân lực; mất thời gian; phải thường xuyên có hành động khắc phục…
Do vậy, toàn ngành đặt mục tiêu chung khi triển khai Dự án này là góp phần nâng cao nhận thức về phát triển DN bền vững trong các DNNVV nhằm giảm các tác động tới môi trường, tăng cướng thực hiện các vấn đề lao động, tăng sức cạnh tranh thông qua việc nâng cao hiểu biết và tăng cường hợp tác Á – Âu. Cụ thể: Tăng cường hội nhập một cách bền vững của các DNNVV vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua việc tăng cường nhận thức, hiểu biết khái niệm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
Với dự án này, ngành dệt may đã tập trung triển khai vào việc xây dựng năng lực cho các Hiệp hội, DN, Tư vấn viên; nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất; tư vấn chính sách; đối thoại với các bên liên quan.
Trên cơ sở khảo sát thực trạng các DN toàn ngành về nhận thức, hiểu TNXH của DN cũng như tổ chức các hội thảo, tọa đàm về nội dung này, ngành dệt may đã xác mục tiêu triển khai dự án nhằm giúp DN chủ động xây dựng COC của DN, làm cơ sở cho thực hiện tốt TNXHDN và phát triển DN bền vững.
Bà Đặng Phương Dung cũng đã chia sẻ bài học cho sự thành công thực hiện tốt TNXHDN ở các DN dệt may Việt Nam. Theo đó, tổ chức thành công nhiều Hội thảo tại các vùng miền, đặc biệt vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các Sở Công thương, Sở Lao động, Liên đoàn lao động tại các địa phương để có thể mời được nhiều DNNVV tham gia; duy trì net-working Tư vấn viên; DN.
Hơn hết, các DN qua việc tham gia dự án đã có bộ phận quản lý và cán bộ chuyên trách đủ năng lực. Tăng cường đào tạo; xây dựng các chính sách và quy chế của DN rõ ràng để hấp dẫn người lao động, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng và thực hiện tốt các quy định làm cơ sở cho sự phát triển bền vững DN; nâng cao đời sống người lao động và xây dựng văn hóa DN tốt…
Cũng từ quá trình triển khai Dự án, bà Dung cho rằng, cần khắc phục tốt một số vấn đề lớn nổi cộm trong thực hiện TNXH ngành dệt may bao gồm: Hỗ trợ thông tin và đào tạo; Hỗ trợ khi di dời từ đô thị ra ngoại ô; Giáo dục, nâng cao nhận thức về TNXHDN ngay từ trường phổ thông; Hỗ trợ từ nhà nước, khu vực và quốc tế nhằm tăng cường nhận thức của lãnh đạo cao nhất; Tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn và các đoàn thể khác tuyên truyền cho người lao động. Đặc biệt, từ khi thiết kế sản phẩm phải tính đến tính an toàn về sức khỏe và môi trường…
Thêm vào đó, để thực hiện tốt TNXH trong các DN dệt may nói riêng và DN Việt Nam nói chung, luật pháp Việt Nam cần lưu ý đến yêu cầu quốc tế, có tính đến hoàn cảnh của Việt Nam để DN có thể đáp ứng được; có bước đi nhanh chuyển dần từ gia công sang FOB, EOD, thiết kế mẫu, công nghiệp hỗ trợ, quản lý công nghệ và thị trường; áp dụng các chương trình, kinh nghiệm tốt của Việt Nam và quốc tế.
Dangcongsan
Ý kiến ()