Nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế hàng hải
Trong tròn nửa thế kỷ dũng cảm, sáng tạo, vượt khó, cán bộ, nhân viên Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã đóng góp nhiều công sức nối liền mạch máu giao thông, kiến thiết hệ thống giao thông vận tải (GTVT) hàng hải của đất nước ngày càng hoàn thiện, hiện đại, hội nhập với quốc tế, góp phần cùng đất nước phấn đấu trở thành quốc gia biển giàu mạnh.
Vượt mọi thử thách
Bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, năm 1965, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Cục Vận tải đường biển Việt Nam (tiền thân của Cục HHVN) với chức năng trực tiếp quản lý và điều hành cơ sở vật chất của ngành hàng hải, nhằm đáp ứng đòi hỏi to lớn của đất nước. Những năm tháng chiến tranh, vận tải đường biển là cửa ngõ sống còn để tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa viện trợ, lương thực, vũ khí phục vụ xây dựng CNXH ở miền bắc, chi viện chiến trường giải phóng miền nam. Cán bộ, viên chức, người lao động ngành vận tải đường biển đã không quản gian khổ, hy sinh, vượt qua hệ thống phong tỏa bằng thủy lôi từ tính và bom từ trường dày đặc của Mỹ, đưa hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng, các cảng biển miền trung và tiền tuyến miền nam, mà chiến dịch vận tải “VT5” là một kỳ tích tiêu biểu thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Lực lượng vận tải chủ lực lúc bấy giờ là Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) được thành lập tháng 7-1970, từ bốn công ty tàu thuyền trước đó, đã tổ chức các tuyến vận tải Hải Phòng – Hồng Công, Hải Phòng – Quảng Châu, với đội hình 217 tàu, tổng trọng tải chưa đến 35 nghìn tấn, tàu lớn nhất chỉ 3.500 tấn.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, ngành HHVN cùng cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, mở rộng giao lưu kinh tế trong và ngoài nước. Ngành đã thể hiện tinh thần tiên phong, đi đầu trong mở cửa, đổi mới. Các dự án mở rộng cảng biển lớn, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến đã được triển khai từ những năm đầu mở cửa, đang tiếp tục được đầu tư trên cơ sở Quy hoạch cảng biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1037/QÐ-TTg ngày 24-6-2014. Cơ sở hạ tầng hàng hải đến nay đã tương đối hoàn thiện với 44 cảng biển (219 bến cảng, trong đó nhiều bến cảng đủ năng lực tiếp nhận tàu đến 100 nghìn DWT, phục vụ trực tiếp các tuyến biển xa) và 42 tuyến luồng hàng hải, hằng năm đón nhận hơn 120 nghìn lượt tàu biển. Ðội tàu biển quốc gia phát triển với hơn 1.800 tàu hoạt động trên toàn thế giới, đang được tái cơ cấu theo Quy hoạch vận tải biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1517/QÐ-TTg ngày 26-8-2014.
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp tàu thủy có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 10 năm gần đây đạt 25 – 30%/năm) trên các lĩnh vực đóng – sửa chữa tàu, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo. Hiện cả nước có khoảng 120 nhà máy đóng tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên, về cơ bản hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của ngành công nghiệp đóng tàu biển quốc gia. Từ năng lực ban đầu chỉ đóng được tàu 3.000 DWT, đến nay Việt Nam đã đóng được hầu hết các gam tàu, bao gồm các loại tàu tổng hợp, tàu hàng rời, tàu dầu, tàu chở ô-tô,… đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu biển trong nước và xuất khẩu. Hệ thống các trường đại học và trung học hàng hải không ngừng phát triển, thực hiện tốt chức năng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, thuyền viên cho ngành hàng hải. Hiện cả nước có hơn 45 nghìn thuyền viên đạt tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản bảo đảm nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài. Hệ thống đài thông tin duyên hải với hơn 30 đài thông tin, trải dọc đất nước, phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Bên cạnh đó, lực lượng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam được trang bị hiện đại, đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ chuyên sâu, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của một quốc gia có biển. Hằng năm, lực lượng này đã cứu và hỗ trợ hàng trăm vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển, tạo môi trường hàng hải an toàn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam.
Năm 2014, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đã đạt 370 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2013, đạt 90% quy hoạch đến năm 2015, trong đó hàng công-ten-nơ đạt 10,3 triệu TEUs, tăng 20,1%; tổng sản lượng vận tải đội tàu đạt 98,5 triệu tấn, tương đương 135,7 tỷ T.km.
Ðổi mới quyết liệt
Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 4 (khóa X) đã xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển; đến năm 2020, kinh tế hàng hải đứng vị trí thứ hai (sau dầu khí) và sau năm 2020 vươn lên vị trí thứ nhất. Nhiệm vụ phía trước rất lớn, trong đó vai trò của quản lý nhà nước, của thể chế chính sách tạo đột phá phát triển, có tính chất quyết định rất lớn. Ðiều này đòi hỏi Cục HHVN phải đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn.
Cuối năm nay, Bộ luật Hàng hải sửa đổi sẽ được đưa ra trình Quốc hội phê chuẩn. Những chủ trương, định hướng phát triển quan trọng, có tính đột phá của ngành đưa vào Dự thảo cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, khi Bộ luật sửa đổi được thực thi sẽ là những đòn bẩy lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành HHVN và là động lực cho phát triển kinh tế biển. Lần đầu, quy định về Cơ quan quản lý cảng được đưa vào Dự thảo Luật. Theo đánh giá của Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng, đây là nội dung có tính đột phá lớn. Có thể hiểu đây là mô hình quản lý độc lập, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa có chức năng đầu tư kinh doanh, không nằm trong hệ thống các cơ quan quản lý hiện nay. Hiện nay, bất cập lớn nhất trong mô hình quản lý là có quá nhiều cơ quan chức năng trong quy hoạch, cấp phép, quản lý cảng biển, song lại phối hợp thiếu đồng bộ, dẫn đến hoạt động kinh doanh cảng kém hiệu quả, năng suất hoạt động thấp, giá dịch vụ cao. Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển được Thủ tướng phê duyệt đã đề cập vấn đề này, với yêu cầu trình Thủ tướng đề án riêng. Ðây là mô hình rất hiệu quả, nhiều quốc gia đang áp dụng thành công, với nhiều hình thức phù hợp từng khu vực.
Ngành HHVN cũng là một trong những ngành đi đầu thực hiện huy động xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải, công tác này hiện đang được đẩy mạnh. Cục HHVN đã công bố danh mục hơn 40 dự án kêu gọi các nguồn vốn xã hội đầu tư giai đoạn 2015 – 2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến 43 nghìn tỷ đồng. Cho đến nay, tổng vốn đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa đạt gần tám tỷ USD. Cục cũng đang nghiên cứu, thực hiện chính sách chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác hoặc các hình thức phù hợp khác đối với cảng biển và kết cấu hạ tầng hàng hải đầu tư bằng ngân sách nhà nước, đưa vào Bộ luật Hàng hải sửa đổi. Ðiều này sẽ làm thay đổi cơ bản cơ cấu sở hữu, quản trị các kết cấu hạ tầng cảng biển với mục tiêu nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động kinh tế hàng hải. Bộ luật Hàng hải lần này được sửa đổi trên tinh thần Hiến pháp mới, là văn bản pháp lý quan trọng để thực thi Nghị quyết T.Ư về chiến lược phát triển kinh tế biển.
Ðảng, Nhà nước đã trao tặng ngành HHVN nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Ðộc lập các hạng; Huân chương Kháng chiến các hạng,… |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()